Hôm nay 15/6, sau bốn ngày xử phúc thẩm vụ án 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận, TAND tỉnh Hoà Bình cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi phán quyết phúc thẩm vào sáng 19/6.
Là người đầu tiên được gọi lên bục khai báo, Hoàng Công Lương nói sự cố làm 9 người chết cách đây hai năm là thảm hoạ y khoa và những người chịu nỗi đau lớn nhất là bệnh nhân và người nhà của họ. Vẫn như những lần trước, Lương gửi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân.
"Các nạn nhân trong sự cố có thời gian dài gắn bó với đơn nguyên lọc máu. Bị cáo và các bác sĩ, điều dưỡng trong đơn nguyên coi họ như người nhà. Bởi vậy mất mát của họ cũng là nỗi đau của các y bác sỹ", Lương chia sẻ.
Về nội dung vụ án, Lương nói phiên toà phúc thẩm lần này giúp anh hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật và nhiều điều trong cuộc sống. Bị cáo cho rằng hành vi của mình phần lớn do yếu tố khách quan. Các tình tiết giảm nhẹ đã được luật sư đưa ra nên anh mong được giảm án và không bị cách ly ra khỏi xã hội để sớm trở lại với công việc khám chữa bệnh.
Nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương mong cơ quan chức năng tiếp tục có những hội thảo khoa học để làm rõ nguyên nhân cái chết, cách xử lý đối với các sự cố thạy thận tương tự sự cố đã xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình. Ngoài mong được hưởng khoan hồng từ pháp luật, ông Dương cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác để họ có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Thiên Sơn) bày tỏ nhiều băn khoăn về cái chết của 9 bệnh nhân. Ông cho rằng kết luận điều tra về nguyên nhân trong sự cố y khoa nghiêm trọng này chưa rõ ràng. Ông Tuấn nói không phạm tội như bị truy tố và mong HĐXX có bản án công tâm, khách quan.
Trước đó, trong phần tranh luận với VKS để bảo vệ cho thân chủ Hoàng Công Lương, luật sư Hoàng Văn Hướng nói Lương đã làm đúng quy trình về bàn giao thiết bị chạy thận sau sửa chữa. Quy trình này tồn tại trong suốt 7 năm nay của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo cáo buộc, Lương biết việc sửa chữa hệ thống RO số 2 song khi chưa được ai bàn giao, chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn hay chưa mà chỉ nghe điều dưỡng thông báo Lương đã đưa hệ thống vào chạy thận. Lương "cẩu thả, làm việc theo thói quen và tự tin vào kinh nghiệm của bản thân".
Luật sư Hướng cho rằng Lương chấp nhận việc bàn giao bằng miệng là do tin vào đồng nghiệp và quy trình lặp đi lặp lại, tồn tại nhiều năm nay tại bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Ông Hướng cho biết thêm, Lương còn có những tình tiết giảm nhẹ như đã nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Những ngày xét xử vừa qua Lương khai báo thành khẩn thể hiện thái độ ăn năn hối cải. Ngoài ra, con gái Lương mắc bệnh hiểm nghèo chưa có điều kiện phẫu thuật. Bản thân anh cũng mắc bệnh trầm cảm....
Đối đáp lại sau đó, đại diện VKSND Hoà Bình cho biết đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX phạt Hoàng Công Lương từ 36 đến 39 tháng tù về tội Vô ý làm chết người (án sơ thẩm 42 tháng). VKS cho rằng hậu quả mà Lương gây ra là rất lớn, cần tính răn đe và đảm bảo phòng ngừa chung nên không chấp nhận cho hưởng án treo.
HĐXX đang nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 8h ngày 19/6. Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị toà chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt bị cáo Hoàng Công Lương; bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan của bốn bị cáo còn lại do không có tình tiết mới
Cụ thể, VKS đề nghị HĐXX phạt Hoàng Công Lương từ 36 đến 39 tháng tù về tội Vô ý làm chết người, án sơ thẩm 42 tháng. Ở tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, VKS đề nghị phạt Trương Quý Dương (cựu giám đốc bệnh viện Hoà Bình) 30 tháng tù, Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư) 36 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh Hoà Bình) 36 tháng tù, Đỗ Anh Tuấn (nguyên giám đốc công ty Thiên Sơn) 30 tháng.