Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, bị phạt tù từ ba đến bẩy năm. Tội cũng được chia ra nhiều khung hình phạt nhưng mức cao nhất là án tù chung thân với các tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, vì mục đích thương mại, phạm tội hai lần trở lên, có tính chất chuyên nghiệp, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 61%, gây chết người…
Hình phạt bổ sung cho người phạm tội này là mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Theo điều 187, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Khung hình phạt sẽ tăng lên một đến năm năm tù nếu người phạm tội thực hiện hành vi với hai người trở lên, phạm tội trên hai lần, lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức, tái phạm nguy hiểm…
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
Cưỡng bức lao động
Điều 297 quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động trong khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án tội này, chưa được xóa án tích… thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Người phạm tội có thể bị phạt tới 12 năm nếu làm chết hai người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể hơn 122%.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
Bắt cóc con tin
Tội phạm được quy định tại điều 301, theo đó người nào bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin bị phạt tù từ một đến bốn năm.
Nếu phạm tội trong các trường hợp: làm chết hai người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên… có thể bị phạt tù tới 15 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Điều 214 quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi (lập hồ sơ giả, làm sai lệch hồ sơ, dùng hồ sơ giả, sai lệch lừa dối cơ quan bảo hiểm để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đến dưới 200 triệu đồng) sẽ bị phạt tiền 20-100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Mức phạt với người phạm tội này có thể lên tới 10 năm tù nếu thỏa mãn các tình tiết tăng nặng là: chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
Gian lận bảo hiểm y tế
Theo điều 215, người nào thực hiện một trong các hành vi: lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng, thêm loại thuốc, vật tư y tế, chi phí giường bệnh… mà người bệnh không sử dụng; giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế… nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể phải đối mặt án phạt tù 10 năm. Hình phạt bổ sung là phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm.
18 tội còn lại gồm: Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (điều 216), Vi phạm quy định về cạnh tranh (điều 217), Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (điều 217a), Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (điều 218), Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220), Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (điều 221), Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (điều 222), Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (điều 224), Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (điều 230), Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (điều 234), Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (điều 238), Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (điều 285), Sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (điều 293), Cướp biển (điều 302), Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép (điều 348), Vi phạm quy định về giam giữ (điều 388), Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (điều 212), Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (điều 213).