Tham gia từ lúc phá án đến tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lê Xuân Lộc (Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm của VKSND tỉnh Phú Thọ) chia sẻ với VnExpress bối cảnh bắt Nguyễn Văn Dương khi có sự chống lưng, bảo kê cho tội phạm của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.
Chiều 30/8/2017, tổ công tác mang lệnh khám xét tới trụ sở Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) ở một tòa nhà văn phòng trên đường Đê La Thành, Hà Nội. Các cán bộ làm nhiệm vụ vấp phải sự bất hợp tác của Lưu Thị Hồng, Tổng giám đốc CNC. Hồng gọi Dương đến.
Gần 18h, Dương có mặt. Trái với sự lo sợ của các nhân viên, Dương tự tin khi tiếp xúc với điều tra viên, nói: "Tốt lắm, hay lắm. Công an Phú Thọ mà dám xuống đây khám công ty của Bộ".
Dứt lời, Dương rút điện thoại gọi cho thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cục trưởng Cục Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao - C50) trao đổi về việc CNC đang bị khám xét.
Cuộc điện thoại sau đó được Dương chuyển cho điều tra viên. Trước thái độ dứt khoát của các cán bộ làm nhiệm vụ, cục trưởng Hóa ở đầu dây bên kia nói: "Có lệnh thì các anh cứ làm đi".
23h34', lệnh bắt được công bố. Dương tra tay vào còng song với thái độ thách thức. Khi Dương bị công an áp giải, dưới sảnh toà nhà có những đám thanh niên đầu trọc, lộ hình xăm trổ đứng chật kín. Nhưng với sự xuất hiện của gần 100 cảnh sát bảo vệ do lãnh đạo Bộ điều động đến, nhóm này không có động thái nào.
Hôm đó, CNC vừa cúng cô hồn trước rằm tháng 7 âm lịch, chuẩn bị hạ lễ để nhân viên liên hoan.
Tại phòng làm việc của Dương ở CNC, tổ công tác tìm thấy ngay một số tài liệu liên quan hai tướng công an: Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa. Cuộc khám xét kéo dài xuyên đêm, tới 5h ngày 1/9/2017.
Từ lúc này, trung tâm chỉ huy Ban chuyên án được lập ngay tại Hà Nội. Lệnh khám xét CNC và bắt Dương đã "đánh rắn động rừng". Nhiều người liên quan kịp bỏ trốn, trong đó có Phan Sào Nam (Giám đốc VTC Online). Tuy nhiên, sau thời gian ngắn rời Việt Nam, Nam về nước đầu thú vào cuối tháng 10/2017.
Nam được xác định đã móc nối với Dương để vận hành hệ thống game bài RikVip. Theo phân công, CNC phát hành dịch vụ, cung cấp dịch vụ thanh toán, đứng tên giấy phép. VTC Online sản xuất, phát triển nội dung dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng để game bài hoạt động.
Ông Lê Xuân Lộc chia sẻ cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát Phú Thọ đều biết động đến CNC là "chạm" đến thế lực bảo kê. Nếu không đủ chứng cứ vững chắc, những người tham gia phá án sẽ phải "ngồi vào thay". Tuy nhiên, các cán bộ làm nhiệm vụ luôn vững tâm vì liên tục được sự động viên, ủng hộ.
Khi các chứng cứ được tập hợp, đủ cơ sở khởi tố bị can với Dương và có lệnh tạm giam, thành viên Ban chuyên án mới thở phào sau bảy ngày như ngồi trên đống lửa, từ thời điểm thực thi lệnh bắt. Lúc này sự tự tin của Dương đã "xẹp" bởi không còn hy vọng được tại ngoại.
Trong sáu ngày bị thẩm vấn đầu tiên, Dương chỉ thừa nhận vận hành cổng game, mỗi ngày hệ thống thu 100 tỷ đồng và nhận 800 tỷ đồng. Dương nhất quyết khai không biết đánh bạc trực tuyến là gì.
Cơ quan tố tụng cho Dương gặp gia đình bởi anh ta hứa sẽ nộp lại hơn 500 tỷ đồng tiền thu lời bất chính. Song tới khi nhận bản án 10 năm tù vào chiều 30/11, người cầm đầu đường dây cờ bạc lớn nhất nước cũng chỉ nộp hơn 200 tỷ đồng.
Sau khi bắt được Dương và Nam, từ tháng 9 tới cuối tháng 12/2017, các cán bộ thuộc cơ quan an ninh điều tra và VKS tỉnh Phú Thọ phải khôi phục dữ liệu tại máy chủ của CNC để xác định doanh thu của đường dây, số tiền đánh bạc là bao nhiêu.
Được hỗ trợ của Cục An ninh mạng (A68), đến tháng 4/2018 dữ liệu khôi phục xong và trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự.
Theo ông Lộc, Dương bị bắt sau 105 ngày Công an Phú Thọ lần ra đường dây đánh bạc trực tuyến từ việc điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt 110 thẻ cào của Lê Văn Huy tưởng chừng không liên quan gì.
Huy bị bắt vào cuối tháng 7/2017. Công an phát hiện Huy đã nạp thẻ để chơi game bài Rikvip và từ đây hé lộ mạng lưới đánh bạc qua hình thức game bài trực tuyến song hoạt động công khai, quảng cáo rầm rộ.
Đánh giá tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an Phú Thọ đã yêu cầu Ban chuyên án phải điều tra chính xác, hành động nhanh và cực kỳ bí mật.
Được Bộ Công an cho thành lập công ty bình phong, cuối năm 2011, ông Nguyễn Thanh Hóa khi đó là Cục trưởng C50 ký ghi nhớ hợp tác với công ty CNC do Nguyễn Văn Dương vừa thành lập.
Dưới danh nghĩa công ty nghiệp vụ của công an, Dương nhiều lần xin cục trưởng Hóa và Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cho thử nghiệm game đánh bạc trực tuyến. Dù chưa được cho phép, giữa năm 2015 game đánh bạc đã được Dương, Nam cho vận hành.
Năm 2015-2017, ông Vĩnh, Hóa biết game đánh bạc hoạt động trái phép nhưng vẫn làm ngơ. Thậm chí, họ còn xin cho game được cấp phép nhưng không thành. Trong hai năm vận hành, đường dây có doanh thu bất chính lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Ngày 30/11, sau phiên tòa kéo dài 13 ngày, TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt Dương 10 năm tù, Nam 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. Bị cáo Vĩnh án 9 năm, Hóa 10 năm về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nộp phạt mỗi người 100 triệu đồng.
88 bị cáo còn lại nhận hình phạt từ 40 triệu đồng đến ba năm tù về các tội: Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.
Nhóm phóng viên