Trong thắc mắc gửi về VnExpress, chị Hằng nhiều năm nay tại trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ ở lớp từ sáng đến khi các con về hết. Năm nay nảy sinh việc điều cô đi dạy trường khác nữa, nghĩa là các con phải "san sẻ cô giáo" với một lớp chuyên toán ở trường khác cùng hệ thống.
Các phụ huynh cùng lớp cho rằng điều này ảnh hưởng đến con mình và muốn khiếu nại, do đó mong muốn được biết về quy định về số giờ giảng dạy của giáo viên. Liệu giáo viên có được cùng lúc dạy 2 trường?
Giải đáp điều này, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An, Hà Nội) dẫn Điều 3 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (gọi tắt là "Văn bản") ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) quy định về nhiệm vụ của giáo viên.
Theo đó, nhiệm vụ của giáo viên thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường dự bị đại học.
Đối với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp, Điều 4 Văn bản nói trên quy định ngoài các nhiệm vụ đối với giáo viên, giáo viên chủ nhiệm còn có những nhiệm vụ sau:
1. Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của từng học sinh và của cả lớp;
2. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, chủ động phối hợp với các giáo viên bộ môn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, các đoàn thể và các tổ chức xã hội khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh của lớp mình chủ nhiệm;
3. Nhận xét, đánh giá xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh, đề nghị danh sách học sinh được lên lớp, danh sách học sinh phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc ghi vào sổ điểm và học bạ học sinh;
4. Tham gia hướng dẫn hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục và rèn luyện học sinh do nhà trường tổ chức;
5. Báo cáo thường kì hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.
Về thời gian làm việc, khoản 1 Điều 5 Văn bản này quy định thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.
b) 5 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
c) 1 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.
d) 1 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Về định mức tiết dạy (là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần) thì định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Văn bản này không quy định số tiết dạy tối đa mà mỗi giáo viên được giảng dạy trong tuần.
Đối với giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học thì định mức giảng dạy được giảm 3 tiết/tuần.
Như vậy, theo luật sư, với các quy định nói trên, pháp luật không quy định giáo viên tiểu học chỉ được giảng dạy tối đa bao nhiêu tiết/tuần. Bên cạnh tuân thủ định mức giảng dạy thì giáo viên còn phải tuân thủ Điều lệ trường tiểu học, sự phân công, sắp xếp của người sử dụng lao động trong nhà trường.
Về việc giảng dạy ở hai trường (tiểu học) cùng lúc, luật sư cho rằng việc này khó xảy ra ở các trường công lập, trừ trường hợp được biệt phái, tăng cường theo sự điều động của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, đối với trường tư thục (do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động) thì giáo viên tiểu học không những phải hoàn thành định mức tiết dạy mà còn phải chấp hành sự phân công của nhà đầu tư, chấp hành các quy định trong hợp đồng lao động đã ký kết với người sử dụng lao động.
"Do vậy, việc giáo viên tiểu học giảng dạy ở hai trường cùng lúc là không trái quy định của pháp luật", luật sư Vinh đánh giá.
Đối với trường hợp chị Hằng nêu, luật sư cho rằng, để xác định nhà trường có vi phạm trong việc điều động giáo viên chủ nhiệm giảng dạy ở hai trường cùng lúc hay không cần phải xem xét các thỏa thuận trước đó giữa phụ huynh và nhà trường. Nếu không có thỏa thuận thì nhà trường được phép điều động miễn sao giáo viên đó đã hoàn thành nhiệm vụ được giao ở trường của con chị.
Trường hợp chị không đồng ý với cách giải quyết của nhà trường thì có thể gửi đơn đề nghị Phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện nơi con chị học để được xem xét, giải quyết. Bạn cũng có thể khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc khởi kiện có thể sẽ mất nhiều thời gian, công sức nên bạn có thể cân nhắc, luật sư Vinh khuyên.
Hải Thư