Quyết định trên được đưa ra 12 tiếng sau khi đội ngũ y tế tại Reims tắt thiết bị hỗ trợ sự sống cho Vincent Lambert ngày 20/5 bất chấp ý nguyện của cha mẹ bệnh nhân.
"Đây là chiến thắng to lớn", Jean Paillot, luật sư của cha mẹ Lambert nói. "Việc tiếp thức ăn và nước cho anh ấy phải được thực hiện lại ngay".
Vincent Lambert từng là điều dưỡng. Năm 2008, anh gặp tai nạn xe máy và rơi vào tình trạng sống thực vật. Người đàn ông 42 tuổi hiện gần như không có ý thức nhưng có thể thở không cần máy và thỉnh thoảng cử động mắt.
Các bác sĩ nhận định Vincent Lambert sẽ không bao giờ hồi phục. Từ đầu tháng 5, họ tuyên bố giảm dần sự chăm sóc cho bệnh nhân.
Vợ Lambert cùng một số anh chị em đồng ý với bệnh viện rằng anh nên được giải thoát. Tuy nhiên, bố mẹ bệnh nhân, với niềm tin Thiên chúa giáo, cho rằng con trai họ phải được duy trì sự sống.
Nhằm giữ mạng sống cho con trai, bố mẹ Lambert đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền châu Âu và kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron can thiệp song kết quả không như ý muốn. Tòa án Nhân quyền châu Âu kết luận bệnh viện không vi phạm quyền sống của bệnh nhân trong khi ông Macron cho rằng mình không thể quyết định trường hợp này.
Ngày 20/5, sau khi xem xét yêu cầu của Ủy ban Quyền Người Tàn tật thuộc Liên Hợp Quốc, Tòa Phúc thẩm Paris bất ngờ ra lệnh cho các bác sĩ tại Reims tiếp tục duy trì sự sống của Lambert.
Phán quyết nhanh chóng làm dấy lên những ý kiến trái chiều.
"Chúng ta không thể để anh ấy sống đời thực vật suốt hàng chục năm. Phải để anh ấy đi thôi", bà Marie-Laure Jean 70 tuổi, một người dân Paris nói.
Bà Caroline Lorsin thì nghĩ khác: "Hãy thử đặt mình vào vị trí bố mẹ anh ấy. Mọi chuyện rất khó khăn với họ".
Đến nay, an tử hay cái chết êm ái vẫn bị cấm tại Pháp. Tuy nhiên một điều luật được đưa ra năm 2016 cho phép người mắc bệnh nan y được tiêm thuốc an thần mạnh cho đến khi qua đời.
Minh Nguyên (Theo Reuters)