Nghị quyết mà quốc hội Pháp thông qua ngày 9/5 được đề xuất bởi nghị sĩ Benjamin Haddad của đảng cầm quyền. Ông Haddad hy vọng nó sẽ khuyến khích 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đưa tập đoàn an ninh tư nhân Nga Wagner vào danh sách các tổ chức khủng bố.
"Bất kỳ nơi nào họ có mặt, các thành viên Wagner đều gieo rắc bất ổn và bạo lực. Họ tàn sát, tra tấn và cướp bóc. Họ đe dọa và thao túng mà hầu như không bị trừng phạt", ông Haddad nói.
Ông Haddad thêm rằng Wagner không phải là lính đánh thuê "thèm tiền", mà hoạt động với chiến lược lớn từ Mali tới Ukraine, "nhằm hỗ trợ các chính sách" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Giới chức Nga, Wagner chưa bình luận về động thái của Pháp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn quốc hội Pháp và kêu gọi các nước khác làm theo. "Mọi biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố đều phải bị tiêu diệt, mọi kẻ khủng bố phải bị kết án", ông nói.
Tờ Times ngày 9/5 đưa tin Anh cũng chuẩn bị liệt Wagner vào danh sách khủng bố, áp các biện pháp trừng phạt tài chính và các hình phạt khác nhằm tăng áp lực với Nga. Nếu biện pháp này được thông qua, việc người Anh tham gia Wagner, tham dự các cuộc họp của Wagner, ủng hộ hay mang biểu tượng của nhóm này tại nơi công cộng sẽ bị xem là hành vi phạm tội.
Liệt vào danh sách khủng bố có nghĩa các thành viên EU có thể đóng băng tài sản của Wagner và các thành viên, trong khi các công ty và công dân châu Âu bị cấm giao dịch với tổ chức này.
Quốc hội Litva và Estonia trước đó đã coi Wagner là "tổ chức khủng bố". Danh sách khủng bố của EU hiện gồm 13 cá nhân và 21 nhóm hoặc thực thể, trong đó có al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Wagner được thành lập năm 2014 và các tay súng của công ty này từng hoạt động tại châu Phi, Trung Đông và thậm chí được cho là xuất hiện tại Mỹ Latinh. Giới chức Mỹ cho biết Wagner đang có khoảng 50.000 tay súng hoạt động ở Ukraine, 80% số này từng là tù nhân. Wagner đóng vai trò quan trọng trong cuộc tiến công của Nga ở Bakhmut, vùng Donbass.
Thanh Tâm (Theo AFP, Reuters)