"Các đảng cực hữu đang trỗi dậy ở mọi nơi tại châu lục. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/6 tuyên bố. "Tôi không thể hành xử như mọi chuyện vẫn bình thường. Tôi quyết định sẽ trao cho người dân quyền lựa chọn. Đêm nay tôi sẽ giải tán quốc hội".
Quốc hội là cơ quan tương đương Hạ viện trong lưỡng viện của Pháp, với các đại biểu được bầu theo phổ thông đầu phiếu. Còn thượng nghị sĩ tại Thượng viện được bầu gián tiếp qua các đại cử tri, gồm thành viên hội đồng vùng, tỉnh và đại biểu quốc hội.
Tổng thống Macron cho biết vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra ngày 30/6 và vòng thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 7/7.
"Đây là quyết định nghiêm túc và nặng nề, nhưng cũng là hành động thể hiện sự tin tưởng. Tôi tin người dân Pháp có thể đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân và thế hệ tương lai", ông nói.
Quyết định được Tổng thống Pháp đưa ra sau khi các cuộc thăm dò cho thấy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (RN) đã thắng áp đảo ở nước này trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
RN, trước là đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, dẫn đầu bởi chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella, đã giành được 33% phiếu bầu, gấp đôi kết quả 15,2% của đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của ông Macron.
Phe cực hữu cũng giành được kết quả ấn tượng tại nhiều nước khác ở châu Âu, trong đó có Đức, Hà Lan, Áo, Italy, Bỉ.
Ông Macron nhận định kết quả cuộc bầu cử EP "không tốt đối với những đảng bảo vệ châu Âu". Ông cho rằng các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhiều trở ngại một khi phe cực hữu hiện diện đông đảo tại cơ quan lập pháp khối, có trụ sở chính ở thành phố Strasbourg của Pháp.
Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu Pháp, hoan nghênh lời kêu gọi tổ chức bầu cử sớm từ Tổng thống Macron. Bà tuyên bố RN "sẵn sàng thực thi quyền lực nếu được nhân dân Pháp tín nhiệm".
Với sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở bầu cử EP lần này, giới quan sát đánh giá bà Le Pen đang đứng trước cơ hội lớn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2027 để trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997 một tổng thống Pháp tuyên bố tổ chức bầu cử quốc hội sớm. Tổng thống Jacques Chirac năm đó, vốn là chính trị gia cánh hữu, cũng từng hy vọng chặn được đà thắng của phe cánh tả trên chính trường bằng cách giải tán quốc hội và bầu cử sớm. Tuy nhiên, các đảng cánh tả cuối cùng vẫn giành được đa số tại quốc hội Pháp và ông Chirac phải làm việc cùng thủ tướng thuộc đảng Xã hội là Lionel Jospin.
Lần gần nhất Pháp tổ chức bầu cử quốc hội là vào năm 2022, trong đó đảng Phục hưng của Tổng thống Macron giữ 169 ghế trên tổng số 577 ghế, trong khi đảng RN giữ 88 ghế.
Nếu RN giành đa số ở quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử sớm, ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, gồm cả chính sách kinh tế và an ninh quốc gia.
Louis Aliot, phó lãnh đạo RN, khẳng định đảng tự tin sẽ giành được đa số tại quốc hội và sẽ chỉ định ông Bardella làm tân thủ tướng. Ông Bardella cũng cho rằng kết quả bầu cử EP tại Pháp tuần qua đã thể hiện "khát vọng thay đổi của nhân dân" và ủng hộ tổ chức bầu cử quốc hội sớm.
"Nước Pháp đã ra phán quyết và không thể kháng nghị", Bardella bình luận.
Thanh Danh (Theo AFP)