Phát biểu mở đầu cuộc hội đàm ba bên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc hợp tác với Bắc Kinh trong các cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm tại Ukraine, có "tính chất quyết định".
Về phần mình, ông Tập cho biết thế giới đã bước vào thời kỳ của sự hỗn loạn và thay đổi, trong đó Trung Quốc và châu Âu đóng vai trò quan trọng.
"Là hai thế lực quan trọng trên thế giới, Trung Quốc và châu Âu cần liên tục mang tới những đóng góp mới cho hòa bình và phát triển toàn cầu", ông nói.
Trung Quốc khẳng định họ giữ thế trung lập về vấn đề Ukraine, tuy nhiên, phương Tây ngày càng lo ngại về khả năng Bắc Kinh hỗ trợ Moskva trong xung đột. Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc không hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Nga, nhưng đã cung cấp công nghệ lưỡng dụng (dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) giúp Moskva xây dựng lại nền tảng công nghiệp quốc phòng. Trung Quốc chỉ trích Mỹ "cáo buộc vô căn cứ", khẳng định nước này có quyền duy trì "quan hệ thương mại bình thường" với tất cả quốc gia.
Bà von der Leyen nói rằng Pháp và EU "tin tưởng Trung Quốc sẽ sử dụng mọi ảnh hưởng của mình đối với Nga" để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, nhấn mạnh châu Âu và Trung Quốc "có chung lợi ích về hòa bình và an ninh".
"Cần nỗ lực hơn để hạn chế việc cung cấp hàng hóa lưỡng dụng cho Nga, những thứ rồi sẽ ra chiến trường", bà von der Leyen tuyên bố.
Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh bà tin tưởng ông Tập sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng leo thang "phát sinh từ các lời đe dọa hạt nhân của Nga", vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tập trận vũ khí hạt nhân với sự tham gia của quân đội đóng gần Ukraine.
Tổng thống Putin dự kiến thăm Trung Quốc vào giữa tháng 5. Trong bài bình luận đăng trên nhật báo Le Figaro của Pháp hôm 5/5, ông Tập cho biết ông muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế để tìm phương pháp giải quyết xung đột Nga - Ukraine, song nhấn mạnh Trung Quốc "không phải là bên liên quan hay tham gia".
"Trung Quốc hy vọng hòa bình và ổn định sẽ sớm trở lại châu Âu. Chúng tôi dự định hợp tác với Pháp và toàn bộ cộng đồng quốc tế để tìm ra con đường tốt đẹp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng", ông Tập viết.
Thương mại cũng là chủ đề thảo luận chính trong cuộc gặp ba bên ở Paris. Bà von der Leyen cho biết Trung Quốc và EU đều muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp, song thừa nhận quan hệ hai bên vẫn còn các thách thức, đặc biệt là về kinh tế.
Bà nói rằng "vẫn có sự mất cân bằng đáng kể" và "những vấn đề đáng lo ngại", nêu ra việc Trung Quốc trợ cấp cho các công ty xe điện và ngành thép trong nước.
Ông Macron kêu gọi áp dụng "quy tắc công bằng cho tất cả" đối với quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc. "Tương lai của châu Âu phụ thuộc vào việc có tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc một cách cân bằng hay không", Tổng thống Pháp nói.
Ông Tập cho rằng Trung Quốc và châu Âu nên giải quyết những khác biệt về thương mại thông qua đối thoại và tham vấn, xem xét "những mối quan ngại chính đáng" của nhau.
Pháp là điểm dừng chân thứ nhất trong chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông Tập kể từ năm 2019. Sau khi rời Paris, chủ tịch Trung Quốc sẽ tới thăm Serbia và Hungary, những nước thân thiện với Nga ở khu vực.
Phạm Giang (Theo AFP, AP)