Về việc học, nhiều khi tôi đã tò mò tự hỏi tại sao các nét và dấu của chữ viết lại được sắp xếp theo quy tắc rất trật tự để ai cũng có thể đọc được và hiểu được chữ viết ? Và ai sáng tạo ra chữ viết cho người Việt ? Những câu hỏi ấy lúc bấy giờ thật không dễ đối với nhiều người. Duy chỉ có một ông giáo già cho tôi biết rằng việc sáng chế và các bước hoàn thiện chữ quốc ngữ, tức chữ viết của người Việt ngày nay là do các nhà truyền giáo phương Tây mà công lớn nhất phải kể đến các ông Alexandre de Rhodes, Taberd, Pigneau de Béhaine đều là những người Pháp.
![]() |
Cầu Doumer xưa (nay là Cầu Long Biên Hà Nội). Ảnh: Bộ Hải ngoại Pháp. |
Cũng thời tiểu học, tôi từng được nghe người lớn nói về văn minh, hay văn hoá Pháp qua những ngôi biệt thự có lối kiến trúc của Pháp duyên dáng và đẹp xinh nổi lên trong khu phố Tây ở Hà Nội, và cũng từng được nghe các thầy cô kể về những chiếc cầu lớn bằng thép do người Pháp thiết kế bắc qua sông Hồng rộng lớn có tên gọi là Cầu Doumer (cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay) điệu đà như một con rồng uốn lượn, cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương (Huế), cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn… Tất cả, từ những vật dụng nhỏ, gần gũi nhất với tôi như đôi giày, chiếc áo sơ-mi vẫn còn mang tên Pháp (chemise) cho đến những ngôi biệt thự, cây cầu vẫn còn hiện hữu quanh tôi và trên khắp đất nước Việt Nam khiến tôi ngưỡng mộ con người và nước Pháp biết bao!
Lớn lên học cấp ba, những bài học tiếng Pháp đầu tiên mà tôi còn nhớ - bài học chia động từ nhóm một e-mê (aimer) để được viết đúng câu "Tôi yêu nước Pháp - J'aime la France". Rồi trong những năm học đại học, tiếng Pháp đã chuyển tải cho tôi biết bao kiến thức rộng mở qua những tác phẩm văn học, áng thơ hay lay động lòng người của các tác gia lớn như Voltaire, Molière, Victor Hugo, Honoré De Balzac, Emile Zola, Alexandre Dumas hay La Fontaine… Cũng từ năm tháng ấy, tôi được học và hiểu thêm những trang sử hào hùng lẫn cả bi thương của nhân dân Pháp mà bức Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), quảng trường Bastille (Place de la Bastille), Nhà khách Thành phố (Hôtel de Ville), cung điện Louvres là những dấu tích kỷ niệm vẫn còn đó trên thành phố Paris hay ở đâu đó trên khắp nước Pháp.
![]() |
Cầu Alexandre - III bắc qua sông Seine và các Cung Lớn, Nhỏ (Paris) - Ảnh: Nguyễn Văn Trường. |
Tôi yêu mến tiếng Pháp, tiếng nói của người Pháp. Tôi yêu tính lãng mạn trong tiểu thuyết, nhẹ nhàng và bay bổng trong thơ ca Pháp bằng ngôn ngữ Pháp uyển chuyển, điệu đàng như người ta vẫn thường nói "tiếng Pháp để giành cho những đôi lứa yêu nhau" chính là tình yêu của tôi đối với con người và đất nước Pháp tươi đẹp, có nhiều di tích lịch sử, công trình văn hoá, nghệ thuật nổi tiếng thế giới hôm nay.
Vượt ra ngoài những trang sách, tôi may mắn có hơn một phần tư thế kỷ làm việc trực tiếp với người Pháp ở Hà Nội. Công việc hằng ngày và cả những chuyến viễn du đến Pháp chính là cuộc trải nghiệm thực tiễn rất hay và rất lý thú. Ở đó, tôi thấy lối giao tiếp lịch sự, phép ứng xử bình đẳng và phong cách sống cũng như phong cách làm việc "rất Pháp" của người Pháp đã chứng minh câu nói "Văn minh, lịch sự như người Pháp", hay "Ga-lăng (galant) như người Pháp" có từ bấy lâu nay. Những điều minh chứng ấy thực sự đã tiếp thêm cho tôi những tình cảm chân thật đối với đồng nghiệp và bạn bè người Pháp.
![]() |
Tác giả trong chuyến công tác Paris. Ảnh: Nguyễn Văn Trường. |
Thật khó có thể tả hết tình yêu của tôi đối với nước Pháp! Nhưng thực tế nó là tất cả. Tất cả những gì đã gắn bó với tôi suốt từ thuở học trò và đã làm tôi ngưỡng mộ, say mê trong học tập, trong công tác vì nước Pháp và vì sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Pháp.
Nguyễn Văn Trường