Chính phủ Pháp chào mua 12 euro/cổ phiếu để sở hữu nốt 16% cổ phần còn lại tại EDF, Bộ Tài chính Pháp cho biết trong thông báo hôm nay. Tổng số tiền chào mua dự kiến 9,7 tỷ euro (9,85 tỷ USD).
Hồ sơ chào mua sẽ được nộp lên Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Pháp (AMF) đầu tháng 9 và chính phủ Pháp dự định hủy niêm yết EDF. Theo giới phân tích, chính phủ Pháp chỉ cần sở hữu 90% cổ phần EDF là đủ khả năng hủy niêm yết với tập đoàn này.
Chính phủ Pháp đang sở hữu 84% cổ phần tại EDF. Việc mua 16% cổ phần EDF còn lại cho phép Pháp "đầu tư mạnh hơn nữa vào năng lượng hạt nhân", Bộ trưởng Ngân sách Gabriel Attal nói với đài France Info hôm nay.
Trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ, Pháp muốn quốc hữu hóa hoàn toàn EDF nhằm kiểm soát giá điện của các hộ gia đình, cũng như giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Các lò phản ứng hạt nhân tại EDF đang dần trở nên lạc hậu, trong khi việc xây dựng các cơ sở mới gặp trở ngại vì chậm tiến độ và chi phí gia tăng. Hiệu suất kinh doanh kém cùng với việc chính phủ Pháp áp trần giá điện đã khiến gánh nặng nợ của EDF ngày càng tăng.
Quốc hữu hóa EDF có thể giúp trấn an các chủ nợ về tình hình tài chính tập đoàn, nhưng sẽ để lại nhiều thách thức cho người kế nhiệm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành EDF Jean-Bernard Levy. Ông Levy, 67 tuổi, có thể từ chức sớm nhất vào tháng 9.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ quyết định quốc hữu hóa EDF từ tháng 3, trong chiến dịch tái tranh cử của ông, nhằm tăng cường khả năng độc lập về năng lượng của Pháp.
Theo ông Macron, EDF cần sử dụng hiệu quả hàng chục tỷ USD tài chính công để xây dựng 6-14 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2050, kết hợp cùng hàng loạt dự án điện mặt trời, điện gió, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Như Tâm (Theo Reuters, Bloomberg)