Hàng nghìn người Pháp hôm 16/3 tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở trung tâm thủ đô Paris, dưới sự giám sát của cảnh sát chống bạo động, khi Hạ viện nước này thảo luận về dự luật cải cách hưu trí đã được Thượng viện thông qua trước đó.
Tuy nhiên, khi biết tin Tổng thống Emmanuel Macron dùng quyền đặc biệt trong hiến pháp để thông qua luật tăng tuổi hưu từ 62 lên 64 mà không cần phê chuẩn của Hạ viện, đám đông đã bày tỏ bất bình, phẫn nộ.
"Tôi rất tức giận với những gì đang xảy ra. Là một công dân Pháp, tôi thấy mình như bị lừa. Trong nền dân chủ này, lẽ ra một đạo luật như vậy phải được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội", Laure Cartelier, giáo viên 55 tuổi, chia sẻ.

Nhóm biểu tình quá khích bắn pháo sáng về phía cảnh sát chống bạo động ở thành phố Nantes, Pháp, hôm 16/3. Ảnh: AFP.
Tới tối cùng ngày, người biểu tình tập trung tại trung tâm quảng trường Concorde ở Paris. Cảnh sát phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quá khích sau khi hành vi đốt phá xảy ra. Khoảng 120 người biểu tình bị bắt vì cáo buộc phá hoại.
Phóng viên AFP cho biết ngay cả sau khi đám đông biểu tình bị giải tán, một số người vẫn tới phóng hỏa và đập phá các cửa hàng ở những khu phố lân cận.
Tại Marseille, thành phố lớn thứ hai ở Pháp, một số cửa hàng bị cướp bóc trong lúc xảy ra biểu tình hỗn loạn. Ở các thành phố Nantes, Rennes và Lyon, đụng độ cũng nổ ra giữa đám đông biểu tình và lực lượng an ninh.
Đám đông biểu tình châm lửa, hô hào phản đối ở quảng trường Concorde hôm 16/3. Video: @CitizenFreePres.
Nhiều công đoàn Pháp đã kêu gọi đình công và biểu tình hàng loạt, chỉ trích động thái phê chuẩn luật tăng tuổi hưu của chính phủ ông Macron là hành động "phủ nhận nền dân chủ".
Trước đó, các công đoàn Pháp đã tổ chức nhiều cuộc đình công để phản đối dự luật, ảnh hưởng tới nhiều dịch vụ công cộng, hoạt động đường sắt, bến cảng và các trường học. Cuộc đình công của các nhân viên vệ sinh môi trường ở Paris đã khiến 7.000 tấn rác không được dọn dẹp, chất đống trên đường phố.
Luật nâng tuổi hưu mới được thông qua còn yêu cầu người lao động Pháp làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Khi được công bố năm ngoái, dự luật vấp phải phản đối từ công chúng, với nhiều cuộc biểu tình, đình công đã xảy ra từ tháng 1, và cũng không nhận được nhiều ủng hộ tại Hạ viện. Các cuộc thăm dò chỉ ra 2/3 dân Pháp phản đối luật này.
Tổng thống Macron giải thích rằng cải cách hưu trí là cần thiết để giữ hệ thống bền vững hơn. Hội đồng Cố vấn Hưu trí Pháp ước tính hệ thống hưu trí Pháp thâm hụt thường niên khoảng 10 tỷ euro (10,73 tỷ USD) từ năm 2022 đến 2032.
Ngọc Ánh (Theo AFP)