Thông tin trên được Air France cho biết hôm nay (6/4). Khoản hỗ trợ này dựa trên khoản vay và bảo lãnh trị giá 10,4 tỷ euro (12,3 tỷ USD) mà Air France và đối tác KLM (Hà Lan), đã nhận được từ chính phủ Pháp và Hà Lan vào năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, khoản cứu trợ mới dưới hình thức tái cấp vốn do nhà nước bảo lãnh, bao gồm việc chuyển đổi khoản vay 3 tỷ euro mà chính phủ đã cấp cho hãng hàng không này vào năm ngoái thành trái phiếu không kỳ hạn, cũng như một tỷ euro vốn mới thông qua phát hành cổ phiếu mới.
Giám đốc điều hành Air France-KLM, Benjamin Smith, nói rằng hãng đang trong một "giai đoạn đặc biệt khó khăn". Gói cứu trợ mới này sẽ giúp Air France-KLM ổn định hơn để tiến về phía trước khi quá trình phục hồi bắt đầu, nhờ vào các chương trình tiêm chủng quy mô lớn đang diễn ra trên khắp thế giới và các biên giới mở cửa trở lại.
Chính phủ Pháp là cổ đông lớn nhất của hãng hàng không, giữ 14,3% cổ phần. Ông Le Maire và Air France cho biết thỏa thuận có thể cho phép chính phủ tăng cổ phần của mình lên tới 30% bằng cách mua một số cổ phần mới. Hãng hàng không China Eastern Airlines, cũng là một cổ đông lớn, có thể sẽ tham gia mua.
Air France-KLM đã mất 2/3 khách hàng năm ngoái và khoản nợ của hãng đã tăng gần gấp đôi, lên 11 tỷ euro. Hãng dự kiến sẽ lỗ 1,3 tỷ euro trong quý I/2021.
Nhờ tiêm chủng đang tăng tốc ở Mỹ, việc đi lại bằng đường hàng không đã bắt đầu phục hồi, thúc đẩy doanh thu bán vé quay trở lại. Delta Air Lines thông báo họ bán thêm ghế giữa trong dãy ghế từ ngay 1/5, sau thời gian bỏ trống để đảm bảo giãn cách xã hội.
Ngược lại, việc triển khai vaccine của châu Âu đã bị đình trệ và việc lây nhiễm các biến thể mới khiến việc đi lại bị hạn chế ở Pháp và các quốc gia lân cận. Điều đó đang làm chậm sự phục hồi về du lịch và khiến các hãng hàng không hàng đầu như Air France-KLM, Lufthansa và Alitalia gặp khó khăn.
Chính phủ Pháp gần đây cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 xuống còn 5%, giảm so với mức dự báo 6% trước đó.
Phiên An (theo NYT)