Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt vào 18/12/2018 tại sân bay Charles de Gaulle theo Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW). Việc bắt Mai nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội "buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện" trong thời gian từ 01/10/2010 đến 10/05/2011, do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 08/05/2013, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngày 19/12/2018, Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp như: phải tạm trú tại nơi được chỉ định, không được rời lãnh thổ Pháp chính quốc, giao nộp tòa toàn bộ giấy tờ tùy thân, có nghĩa vụ có mặt khi được triệu tập cho các phiên tòa tiếp theo.
Trao đổi với VnExpress, Mai, 34 tuổi, bác bỏ cáo buộc buôn bán và tàng trữ ma túy, đồng thời khẳng định cô có đầy đủ bằng chứng về giấy tờ xuất nhập cảnh châu Âu cùng hộ chiếu hợp lệ để chứng minh mình bị oan.
Theo Mai, cô từng học tập và làm việc tại Amsterdam, Hà Lan, trước khi trở về Việt Nam sinh sống từ tháng 3/2010 và cho đến tháng 11/2011 mới quay lại châu Âu một lần để công tác. Cô bị cảnh sát Pháp bắt khi đang cùng bạn trai nối chuyến bay từ Việt Nam đến Malta để thăm gia đình bạn trai.
"Vụ án ở Bỉ xảy ra giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, tôi không thể phạm pháp trong giai đoạn này ở Bỉ được vì tôi không có visa để từ Việt Nam sang châu Âu. Hộ chiếu của tôi cũng không có đóng dấu ra vào châu Âu trước trong hay sau giai đoạn này", cô nói. Ngoài ra, Mai cho biết cô còn có hồ sơ chứng thực làm việc cho công ty ở Việt Nam từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2012. Mai nghi ngờ thông tin cá nhân của mình bị đánh cắp để dùng cho mục đích xấu.
Mai và bạn trai hiện thuê khách sạn để ở tạm tại Paris trong khi chờ đến phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra đầu tháng 2 với nguồn tài chính ngày càng eo hẹp. Cô cho hay đã thuê luật sư ở Bỉ để đại diện tại tòa án xử lý vụ việc nhưng rất hoang mang vì không biết đến bao giờ vụ án mới kết thúc và cô có thể trở về Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng cho biết Văn phòng Luật sư Vatier tại Paris đã nhận hỗ trợ Mai theo đề nghị của Đại sứ quán và bản thân Mai.
Theo quy định của Liên minh châu Âu, trong vòng tối đa 60 ngày kể từ khi bị bắt, nước bắt giữ, trong trường hợp này là Pháp, tiến hành các thủ tục tư pháp để chuyển giao người bị bắt cho nước phát lệnh, trong trường hợp này là Bỉ. Nếu tự nguyện, Mai sẽ được chuyển sang Bỉ trong vòng 10 ngày kể từ sau khi bị bắt. Nếu không tự nguyện, cô sẽ bị chuyển giao cho Bỉ 10 ngày sau khi có phán quyết của cơ quan tư pháp Pháp chấp thuận chuyển giao người bị bắt theo Lệnh bắt giữ châu Âu.
Cũng theo quy định của EU, quyết định chấp thuận thực thi lệnh bắt giữ và chuyển giao người bị bắt thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, hoàn toàn độc lập và không chịu sự can thiệp của các yếu tố chính trị. Pháp chỉ có quyền từ chối chuyển giao Mai cho Bỉ trong một số trường hợp. Một là bị can đã bị xét xử với cùng hành vi phạm tội tại Pháp. Hai là bị can là trẻ em vị thành niên hoặc chưa đến tuổi chấp hành án hình sự tại Pháp. Ba là hành vi phạm tội hoặc bị can được hưởng ân xá đối với hành vi này tại Pháp.
Hạnh Phạm - Anh Ngọc