Le Canard Enchaine, tờ báo trào phúng và điều tra của Pháp, ngày 27/8 đưa tin khi bị cảnh sát bắt tại sân bay hôm 24/8, Pavel Durov nói với họ rằng ông được Tổng thống Macron mời dùng bữa tối. Tờ này đặt câu hỏi về lý do CEO Telegram "chui vào hang cọp" khi tới Paris. Giới chức Pháp ngày 8/7 phát lệnh truy nã quốc tế đối với CEO Telegram và dường như ông không biết điều này.
Phát ngôn viên Điện Elysee ngày 28/8 bác bỏ thông tin nói trên. "Tổng thống Macron hoàn toàn không biết gì về chuyến thăm Paris của ông Pavel Durov", phát ngôn viên nói và cho biết vào thời điểm ông Durov bị bắt, Tổng thống Emmanue Macron đang ở quê nhà Touquet, miền bắc nước Pháp.
"Durov đã tưởng tượng ra cuộc gặp với nguyên thủ Pháp. Ông Durov cũng từng khoe rằng mình quen nhiều quan chức cấp cao", phát ngôn viên Điện Elysee cho biết.
Ông Durov được cấp quốc tịch Pháp tháng 8/2021. Cách duy nhất để CEO Telegram nhận quốc tịch Pháp là thông qua cơ chế dành cho "người nước ngoài danh dự", sáng kiến của chính phủ Pháp dành cho những người có đóng góp to lớn, góp phần cho sự thịnh vượng hoặc vị thế quốc tế của nước này.
Bộ Ngoại giao Pháp từ chối bình luận về trường hợp ông Durov được cấp quốc tịch do đây là vấn đề cá nhân.
Dù cơ chế "người nước ngoài danh dự" do Bộ Ngoại giao Pháp đưa ra, những người muốn được cấp quốc tịch theo cách này sẽ đề nghị với các bộ trưởng hoặc tổng thống Pháp. Wall Street Journal cho biết ông Durov từng đưa ra đề nghị với Tổng thống Macron khi hai người cùng ăn trưa vào năm 2018 và đề cập khả năng đặt trụ sở Telegram tại Pháp.
Tờ Le Monde đưa tin rằng Durov đã gặp Tổng thống Macron "vài lần" trước khi được cấp quốc tịch.
Các nguồn tin thân cận bác tin ông Durov và Tổng thống Macron "nhiều lần gặp gỡ", cho biết hai người chỉ gặp một hoặc hai lần. Họ không công bố chi tiết về thời gian và lý do của các cuộc gặp này.
Le Monde viết rằng Durov đến Pháp "rất thường xuyên trong nhiều năm và không gặp trở ngại nào nhờ có quốc tịch". Sau khi rời Nga năm 2014, Durov chủ yếu sống tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Tòa án Paris ngày 28/8 quyết định truy tố ông Durov với loạt cáo buộc đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, buôn bán ma túy, lừa đảo; từ chối chia sẻ thông tin theo yêu cầu của giới chức; rửa tiền; cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.
Ông Durov được tại ngoại sau khi nộp bảo lãnh 5 triệu EUR (5,57 triệu USD), nhưng bị giám sát tư pháp, bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp và phải trình diện tại đồn cảnh sát hai tuần mỗi lần.
Telegram, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô, được xếp hạng là một trong những mạng xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Telegram hiện có hơn 900 triệu người dùng và đặt mục tiêu đạt một tỷ trong năm tới.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát tháng 2/2022, Telegram trở thành nền tảng chính để cả hai bên đăng tải nội dung về cuộc xung đột và tình hình chính trị liên quan.
Nguyễn Tiến (Theo Brussels Signal, AFP, Reuters)