Tại huyện Cẩm Xuyên, từ đêm 30 đến rạng sáng mùng 1 Tết Canh Tý (25/1), người dân đốt pháo trái phép tạo tiếng động lớn. Xác pháo vương vãi trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Cẩm Lộc, Cẩm Trung, thị trấn Cẩm Xuyên... được thu gom ngay trong đêm để tránh bị phát hiện.
Công an huyện Cẩm Xuyên đã cử cán bộ tới các xã quay phim, chụp ảnh người đốt pháo trái phép để lấy bằng chứng, vài ngày nữa sẽ triệu tập xử lý.
Huyện Hương Khê cũng xuất hiện nhiều điểm bắn pháo hoa tự phát tại thị trấn Hương Khê, các xã Phúc Đồng, Hà Linh... Pháo nổ liên tục khoảng 30 phút, khiến bầu trời đỏ rực. "Pháo xuất xứ từ nước ngoài, được mua từ biên giới với giá vài triệu đồng một hộp", một người dân cho hay.
Lãnh đạo Công an huyện Hương Khê nói, trước Tết đã sử dụng hệ thống loa phát thanh đi tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng nổ pháo trái phép, song nhiều người vẫn cố tình đốt nên khó phát hiện. Rạng sáng mùng 1 Tết Canh Tý, cảnh sát đã ghi hình, mời 5 người đốt pháo về trụ sở để xử phạt.
Tại huyện Đức Thọ, 28 người cũng bị công an huyện mời về trụ sở làm việc vì đốt pháo trái phép trong đêm giao thừa.
Năm nay Hà Tĩnh tổ chức bắn giao thừa ở ba điểm gồm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh. Kinh phí cho hoạt động này được xã hội hóa. UBND tỉnh giao Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức bảo quản, bắn pháo hoa đảm bảo tiết kiệm và an toàn tuyệt đối.
Năm 1994, trước tình trạng đốt pháo tràn lan làm nhiều người chết và bị thương, Thủ tướng ra chỉ thị từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Các tổ chức, cá nhân vi phạm ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu hủy pháo và thuốc pháo còn bị phạt tiền.