Theo thầy Phạm Đình Thắng, giảng viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn: "Không cần sử dụng những kiến thức vĩ mô và hàn lâm, học sinh vẫn có thể nhận biết thành phần cấu tạo và hiểu về quá trình hoạt động của pháo hoa thông qua kiến thức Hóa học bậc THPT".
Từng đạt giải nhất Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc năm 2008, thầy Phạm Thắng luôn muốn truyền tải niềm đam mê Hóa học đến học sinh. Thông qua video chia sẻ kiến thức "Pháo hoa được chế tạo như thế nào?", thầy đã khéo léo vận dụng nền tảng kiến thức Hóa học bậc THPT nhằm giúp học sinh dễ dàng nhận biết thành phần cấu tạo và hiểu về quá trình hoạt động của pháo hoa.
Theo thầy Thắng, pháo hoa được tạo nên từ những thành phần cơ bản nhất là lớp vỏ, viền màu, giấy ngăn, chất nhồi cháy và ngòi. Màu của pháo hoa bắt nguồn từ rất nhiều hợp chất kim loại, đặc biệt là muối kim loại. Trong chương trình hóa học cấp ba, học sinh đã được tìm hiểu về một số chất có tác dụng tạo màu pháo hoa như SrCO3, SrSO4 (tạo màu đỏ), Ca(NO3)2 (tạo màu da cam), Al (tạo màu trắng). Ngoài ra, Cacbon (C) hoặc Titan (Ti) được sử dụng để tạo ra tàn lửa, Sắt (Fe) để tạo ra tia lửa, Magie (Mg) để tạo ra hiệu ứng chớp sáng...
Thầy Phạm Đình Thắng chia sẻ về quá trình tạo ra pháo hoa trên cơ sở kiến thức Hóa học THPT.
Những chia sẻ dễ hiểu của thầy Thắng đã giúp nhiều học sinh bậc THPT vận dụng các kiến thức đang học để giải thích hiện tượng thú vị này. Bạn Nguyễn Hữu Doanh, học sinh lớp 11, trường THPT Cầu Giấy Hà Nội chia sẻ, qua những thông tin kiến thức trong loạt video Khoa học kỳ thú, các hiện tượng, tính chất khoa học dù nặng tính hàn lâm được lý giải rất đơn giản và dễ hiểu thông qua kiến thức đã được học từ cấp 3.
"Em hiểu được cách thức để kích hoạt một quả pháo hoa nhờ thiết bị cơ học, giúp điều khiển tự động pháo hoa khi bắn lên không trung theo ý muốn của mình. Ngoài ra, một số muối kim loại như Ca(NO3)2 cũng có thể tạo ra được màu cam cho pháo hoa", Doanh cho biết.
Cũng thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin kiến thức tại các video của Khoa học kỳ thú, Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cho hay, trước đây để tìm hiểu về các hiện tượng, tính chất trong đời sống và tự nhiên, đặc biệt là kiến thức liên quan đến pháo hoa, nữ sinh thường tìm đọc nhiều từ các sách về thiên văn, khoa học. Tuy nhiên, giờ đây việc tìm tòi và nghiên cứu về các kiến thức này đã trở nên dễ dàng và gần gũi hơn qua chương trình Khoa học kỳ thú trên kênh Youtube của Hocmai.vn.
"Em rất thích xem pháo hoa vào mỗi dịp lễ tết. Nhiều khi em tự hỏi pháo hoa được làm từ những chất gì, quá trình hoạt động thường phản ứng và xảy ra như thế nào. Sau khi xem bài giảng của thầy Phạm Đình Thắng, em có thể hiểu quá trình hoạt động và cấu tạo cơ bản của pháo hoa một cách dễ dàng thông qua việc áp dụng những kiến thức hóa học mà mình được học trong chương trình học phổ thông", Linh chia sẻ thêm.
Việc giải thích những hiện tượng khoa học trong tự nhiên và đời sống theo cách dễ hiểu là ưu điểm thu hút các bạn học sinh tìm kiếm và theo dõi chuỗi video trong chương trình Khoa học kỳ thú.
Thế Đan