Phiên xét xử được mở tại TAND huyện Thạch Hà hôm 18/8. Hội đồng xét xử phải dựa vào kết quả giám định huyết thống của một con bò để ra phán quyết.
Theo bản án, ông Hữu (nguyên đơn trú tại xã Lưu Vĩnh Sơn) nuôi 9 con bò, thả tại khu vực đồi Đá Dóc ở thôn Xuân Sơn. Hàng ngày, ông lên đồi mở trại thả bò đi ăn, đến tối lùa về, hoặc bò tự vào chuồng. Chiều 7/5, ông Hữu phát hiện mất 3 con, gồm hai con bò cái, trong đó một con mang thai sắp đẻ, cùng một con bê đực. Ông tìm kiếm nhiều nơi song không có kết quả.
Khoảng 15h ngày 12/5, con trai ông Hữu đi tìm vật nuôi ở xã Thạch Xuân, nói đã nhận ra ba con bò của gia đình đang ăn cỏ cùng với đàn bò của gia đình ông Tình, trú xã Thạch Xuân.
Khi bị bị bố con ông Hữu đến hỏi, ông Tình cho hay gia đình có 23 con bò thả nuôi trong trang trại thuộc khu vực Hồ Kẻ Gỗ, xã Thạch Xuân. Ngày 11/2, ông lên thăm bò phát hiện mất hai con bò cái, trong đó có một con đang mang thai. Cuối tháng 3, con trai ông đi tìm được 3 con bò thất lạc tại một nhà hộ dân trong huyện, lúc này bò mẹ đã sinh thêm bê nên lùa về.
Sự việc khiến hai lão nông to tiếng, căng thẳng. Ông Hữu trình báo công an xã Lưu Vĩnh Sơn và xã Thạch Xuân; đồng thời làm đơn khởi kiện ông Tình lên TAND huyện Thạch Hà, yêu cầu trả lại đàn bò.
Trong quá thụ lý hồ sơ, một bò cái thuộc diện tranh chấp sinh thêm con vào tháng 6. Nhà chức trách định giá 4 con bò khoảng 40 triệu đồng. Ban đầu, tòa đề nghị đưa hai đàn bò của ông Hữu và Tình ra bãi đất trống, sau đó thả 4 con bò đang tranh chấp ra, chúng về đàn bò của nhà nào thì sẽ thuộc sở hữu của nhà đó.
Ông Hữu đồng ý, song ông Tình không chấp nhận. Nhiều lần tổ chức hòa giải song bất thành, tòa đề nghị trước khi xét xử phải đưa đi xét nghiệm ADN, trưng cầu giám định huyết của một con bò cái đang tranh chấp với con bò liên quan (gồm bò của gia đình ông Hữu và bò mà ông Tình đang nuôi trong đàn).
Tại phiên xử, ông Hữu và Tình ngồi song song hai hàng ghế, vẻ mặt căng thẳng, không hỏi nhau câu nào. Ông Hữu khẳng định bốn con bò mà ông Tình đang giành nuôi thuộc sở hữu của gia đình mình. Với con bê con mới được sinh, ông không đề cập vì không nắm được các chi tiết, nhưng ba con bò còn lại thì ông nhớ như in từng đặc điểm, "dù có thất lạc nhiều năm cũng nhận ra".
Giọng gắt, ông Hữu nói con bò cái thứ nhất nuôi được gần 6 năm, phía trước đầu có lông màu đen, tai bên phải được bấm một lỗ tròn và có vết cắt thẳng xuống theo chiều tai dài 4-5 cm; có 6 vú, một xoáy lưng, lông màu đỏ, lúc thất lạc đang mang thai 9 tháng. Con thứ hai là bò cái khoảng 4 tuổi, lúc mua là bê tơ, lông trắng đỏ, có bốn vú, một xoáy lưng. Con thứ ba là bê đực, sinh tháng 10/2019, bụng to, vai trước có sẹo...
Trong lời khai tại phiên hòa giải hồi tháng 5, ông Tình bảo thời điểm mất tích con bò cái thứ hai đang mang thai, tuy nhiên đến tháng 6, ông lại nói con bò cái thứ nhất mang thai. Tại tòa, khi bị ông Hữu chất vấn tại sao con bò cái thứ nhất lại có lỗ tròn bên tai phải, ông Tình giải thích do tai con vật bị tổn thương nên con trai dùng lưỡi lam cạo sạch để điều trị. Trong quá trình này, con vật quật mạnh khiến lưỡi dao rạch đứt một đường bên tai, gây nên sẹo.
Theo HĐXX, lời khai của ông Hữu phù hợp với kết quả thẩm định và kiểm tra thực tế. Dựa trên kết quả thẩm định, vết bấm trên tai con bò cái thứ nhất là một lỗ tròn, phù hợp với phong tục bấm lỗ tai làm dấu của người dân địa phương, không phải là vết cắt của dao lam như ông Tình giải thích.
Tòa cho rằng ông Tình không thống nhất lời khai, khi thì khẳng định con bò cái thứ hai mang thai, sau đổi sang con thứ nhất; lúc thì nói bò mẹ cái thứ nhất 5 vú, rồi đổi thành 6.
"Nếu là chủ nhân vật nuôi, bị đơn phải biết rõ đặc điểm đàn bò của mình, nhất là khi bò mang thai và đưa lại lợi ích kinh tế cho gia đình", chủ tọa cho hay.
Cầm bảng giám định ADN từ Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật (Viện chăn nuôi Việt Nam), chủ tọa nói: Kết quả xét nghiệm huyết thống hồi giữa tháng 7 cho thấy, con bò mẹ thứ nhất đang tranh chấp có mối quan hệ huyết thống mẹ con với với một con bò mà gia đình ông Hữu đang nuôi.
Vì lẽ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hữu, buộc ông Tình phải trả 4 con bò cùng 7,3 triệu đồng chi phí giám định ADN cho nguyên đơn. Với con bê thứ 4, do sinh sau thời điểm xét xử, được chính quyền xác định chăm sóc tốt nên ông Tình được hưởng một nửa giá trị. Ông Hữu phải thanh toán cho ông Tình gần 3,5 triệu đồng, bao gồm tiền công chăm sóc trong 97 ngày tranh chấp và tiền nửa con bê.
Ông Hữu hài lòng với phán quyết, nói đây là một bài học trong việc bảo quản vật nuôi, sau lần này sẽ "làm dấu" gia súc kỹ càng hơn, để nếu ai có lòng tham muốn chiếm đoạt sẽ khó đạt được ý định.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi