- Đến nay tủ sách "Cánh cửa mở rộng" mà chị sáng lập đã giới thiệu đến bạn đọc Việt gần 20 đầu sách các thể loại. Chị quan tâm tới những phản hồi nào từ độc giả?
- Lý do lớn nhất của tôi cùng nhóm khởi xướng tủ sách là muốn thấy có thêm sách hay được xuất bản ở Việt Nam, có thêm người đọc sách. Phản hồi trực tiếp thì tôi ít nhận được, thỉnh thoảng có bạn gửi email vào hộp thư chung, nói cuốn này hay cuốn kia hay hoặc xin tham gia dịch cho tủ sách. Phản hồi lớn nhất vẫn là NXB Trẻ báo cho tôi và anh Châu (GS Ngô Bảo Châu) cuốn này tái bản, cuốn kia tái bản, thì mình biết là sách có người đọc và có sự lan truyền riêng.

Nhà văn Phan Việt.
- Thị trường sách Việt Nam hiện tại khá phong phú, nhưng nhiều và đủ đôi khi là hai câu chuyện riêng biệt. Là một nhà văn, chị thấy độc giả Việt Nam đang thiếu gì?
- Có lẽ là thiếu sự tự do và ích kỷ tự nhiên trong đọc sách. Ý tôi là, đọc phải là một hành vi rất cá nhân, vì sự vui thú của mình, vì mình muốn trả lời những câu hỏi của riêng mình; mình chủ động tìm đọc những thứ mình muốn đọc và mình đọc cẩn thận, đọc công bằng và vô tư, không phán xét trước khi đọc, và cũng không phán xét theo trào lưu sau khi đọc.
- Trong tủ sách "Cánh cửa mở rộng", sách văn học có vị trí như thế nào?
- Sách văn học chiếm khoảng 80% trong phác thảo ban đầu của tủ sách vì mọi người trong nhóm đều thấy văn học là cần thiết. Nhưng khi triển khai thì tùy cuốn nào dịch xong trước, chúng tôi cho ra trước chứ cũng không ép theo công thức nào cả.
- Theo dõi đời sống văn học trong nước chị nhận thấy sự khác biệt nào giữa tác giả trẻ Việt Nam và tác giả trẻ Mỹ?
- Cái lớn nhất có vẻ là sự nổi lên dần dần của dòng văn học thị trường ví dụ tiểu thuyết tâm lý tình cảm, tiểu thuyết kinh dị, văn học teen. Nó là kiểu sách mà các nước phương Tây phát triển từ lâu. Nó dành cho một phân khúc lớn trong xã hội, là những người đi làm vất vả cả ngày; họ chỉ thích những thứ nhẹ nhàng, giải trí mà người ta có thể đọc lúc trên tàu điện ngầm, khi nằm phơi nắng ngoài biển, hoặc đọc cho dễ ngủ.
Tôi nghĩ là càng ngày số người viết cho dòng này ở Việt Nam sẽ càng nhiều và số người đọc cũng càng nhiều. Tôi không nghĩ là Mỹ có khái niệm tác giả trẻ như Việt Nam có. Chúng ta hay quy gom những người viết trẻ về tuổi đời ở Việt Nam với nhau nhưng thực ra họ khác nhau rất nhiều, khác về bản chất.
- Chị vẫn luôn ý thức mình là một phụ nữ Việt Nam, nhưng việc quyết định chia sẻ câu chuyện ly hôn của mình thì lại có vẻ không... Việt Nam lắm. Liệu có thể gọi tên đó là phần Mỹ trong một phụ nữ Việt?
- Tôi không nghĩ nó là phần Mỹ. Khi thấy việc cần phải làm thì mình làm thôi, mình ở nước nào cũng thế cả. Tôi không làm thì sẽ có người khác làm; vấn đề là đang có những sóng ngầm trong đời sống gia đình hiện đại ở Việt Nam và nó chỉ chờ được gọi tên ra thôi.
- Từ đâu mà chị cho rằng đang có sóng ngầm trong đời sống gia đình Việt Nam?
- Có nhiều chỉ dấu nhưng đơn giản nhất là ta cứ quan sát và nghe những người xung quanh tâm sự, nhất là phụ nữ; nhìn xem mục nào, bài nào của các tờ báo hay trang web thường được đọc nhiều nhất và phản hồi nhiều nhất; rồi mình cũng phải tự cảm nhận cả những điều họ không nói ra nữa. Quanh đi quanh lại, biểu hiện bằng nhiều hình thái nhưng mà rút cục thì các mẫu số chung không có nhiều.
- Đọc "Xuyên Mỹ" thấy mấp mé bóng dáng của tiểu thuyết, tại sao chị không chọn hình thức hư cấu để viết tác phẩm này?
- Tôi nghĩ những vấn đề quan trọng với hạnh phúc của các gia đình Việt Nam nên được nói đến một cách đích danh và công khai; chứ không qua các ẩn dụ và sự bóng gió của tiểu thuyết hay ca dao tục ngữ thời xưa nữa. Càng nhiều người kể chuyện của họ thì cuộc sống càng trở nên minh bạch hơn; minh bạch thì dễ sống hơn cho tất cả mọi người.
- Theo dõi Phan Việt cũng dễ nhận thấy sự chuyển dịch từ một nhà văn sang nhà văn - nhà nghiên cứu xã hội, đó là một sự cộng hưởng tự nhiên hay chị có chủ trương cho điều này?
- Với tôi thì tôi trước hết là một nhà văn cho nên việc đưa các nghiên cứu vào bộ sách này cũng vẫn thuần túy là một quyết định văn học. Tôi chỉ làm thế cho bộ sách này bởi vì bộ sách nói một câu chuyện cá nhân như ví dụ cho những vấn đề chung về hôn nhân - gia đình - văn hóa - xã hội. Sau cuốn này, khi quay lại viết tiểu thuyết tôi sẽ phải bỏ hết việc đưa các tài liệu nghiên cứu vào sách.
Mình vẫn phải làm các nghiên cứu nền để có thể viết nhưng tất cả bóng dáng của sự nghiên cứu phải hoàn toàn biến mất trên một tiểu thuyết hay truyện ngắn.
- Như chị viết, được yêu thương và chia sẻ là một nhu cầu của con người, người ta đến với nhau cũng từ tâm thế ấy nhưng rồi họ có thể chẳng đạt được mong muốn, thậm chí còn làm khổ, làm đau nhau…Ở góc độ nhà văn, và người có chuyên môn, kinh nghiệm về ngành công tác xã hội, chị nhìn nhận thế nào?
- Cuộc sống là như vậy. Tôi có nói trong sách là ngay cả khi mình có thiện chí tốt nhất và mình cố hết sức thì cuộc sống vẫn có cách biến cái tốt thành cái xấu và phá vỡ tất cả dự định của mình. Tôi nghĩ là phải đến tuổi nào đó người ta mới hiểu được tương đối về mình; còn trước đấy thì không; mà khi chưa hiểu mình thì chuyện lệch pha với người khác là chuyện bình thường.
- Chị nghĩ gì về cụm từ “văn hóa ly hôn” trên đất Mỹ và ở Việt Nam?
- Ở Việt Nam thì tôi không rõ lắm; nhưng ở Mỹ thì đến 50% hôn nhân kết thúc trong ly hôn nên bạn bè, đồng nghiệp rồi sinh viên của tôi hầu hết sống trong các gia đình có ly hôn. Tôi thấy họ nói về "chồng cũ của tôi", "bố của con gái tôi", "bố dượng tôi", "mẹ kế tôi", "anh em cùng cha khác mẹ của tôi" một cách bình thường, không có các định kiến nặng nề.
Tôi cảm giác người Mỹ nghĩ các quan hệ tình cảm chỉ là những định dạng linh động, nếu hai người không phù hợp trong định dạng vợ chồng thì chuyển sang định dạng bạn bè hoặc anh em, hoặc người dưng; họ không nghĩ theo kiểu nếu không phải vợ chồng thì không thể là cái gì khác nữa.
- Tất nhiên ly hôn khiến người ta nghĩ đến mất mát nhiều hơn, nhưng nếu đặt vấn đề ngược một chút thì cái… được của sự ly hôn là gì, theo cách nhìn của chị?
- Hành xử trong ly hôn cũng như trong những tình huống không vui mới biết mình là ai, con người là thế nào. Lúc vui thì người ta dễ tốt lắm. Lúc không vui mới phải đối mặt với những câu hỏi không dễ chịu về mình, về người khác. Trả lời được, thừa nhận được điều ấy thì sẽ được rất nhiều thứ.

Bìa sách "Xuyên Mỹ".
- Bộ sách "Bất hạnh là một tài sản" đã đi được hai phần, chị có thể chia sẻ về tập ba bộ sách?
- Tôi dự định là đầu năm 2015, nhưng phải đến lúc làm việc trên bản thảo thực sự, nhất là giai đoạn cuối thì mới biết là có đúng dự định không. Tôi thường đặt mốc cho mình chỉ để bố trí công việc, nhưng tôi không in sách chừng nào chưa hài lòng với bản thảo; lâu bao nhiêu cũng kệ.
- Một số tác giả người Việt ở nước ngoài đã sáng tác bằng tiếng bản địa hoặc hướng tới việc dịch tác phẩm tiếng Việt của mình sang tiếng bản địa, hơn 10 sống ở Mỹ chị có nghĩ đến điều đó?
- Có, tôi có dự định. Thực tế là cả cuốn Một mình ở châu Âu và Xuyên Mỹ đều có bản thảo gốc là tiếng Anh. Tôi đã dịch sang tiếng Việt để in trước.
Phan Việt sinh năm 1978. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2000. Hiện chị sống và giảng dạy tại Mỹ. Lấy bằng Tiến sĩ ngành Công tác xã hội tại Đại học Chicago. Chị cùng với GS Ngô Bảo Châu phối hợp với NXB Trẻ sáng lập tủ sách "Cánh cửa mở rộng" nhằm giới thiệu và dịch các sách hay sang tiếng Việt. Chị là tác giả của các tập sách: Phù phiếm Truyện (tập truyện ngắn, 2005), Nước Mỹ, nước Mỹ (tập truyện ngắn, 2009), Tiếng Người (tiểu thuyết, 2008) và bộ sách Bất hạnh là một tài sản. |
Nguyễn Xuân Thủy thực hiện