-
- Lần ra mắt sách này, có vẻ chị rất quan tâm đến việc PR, quảng bá cho tên tuổi cũng như "đứa con tinh thần" của mình, vì sao thế?
- Thực ra lúc nào tôi cũng vẫn quan tâm tới sách của tôi, còn quảng bá tên tuổi cá nhân thì lúc trước tôi không quan tâm mà bây giờ cũng không quan tâm.
Những lần trước, tôi chỉ tập trung vào bản thảo, còn để cho phía xuất bản làm toàn bộ công việc PR. Lần này, phía xuất bản cũng muốn tôi phối hợp trong việc quảng bá sách; và tôi thấy điều này là chính đáng với cuốn sách và bạn đọc của mình. Ngoài ra, có thêm một lý do. Tôi nghĩ là nếu một nhà văn muốn có thay đổi gì đó trong nền văn học Việt Nam thì không nên chờ thay đổi xảy ra với mình mà nên làm những gì mình có thể để thay đổi nó, miễn sao những việc này không ảnh hưởng tới công việc quan trọng nhất của nhà văn là viết.
![]() |
Phan Việt tại Florence, Italy. |
- Trang viết về "Nước Mỹ, nước Mỹ" những ngày đầu của chị trong trẻo hơn sau này (khi chị đã biết nước Mỹ như thế nào). Tại sao vậy?
- Tôi thấy mình trưởng thành hơn, chứ không phải là "vỡ mộng". Cuốn sách này buồn hơn các cuốn trước vì càng viết thì một nhà văn càng nhạy cảm hơn với đau khổ của người khác, với các vấn đề lớn hơn những hỉ nộ ái ố của bản thân. Điều này tự nhiên, nếu sống ở Việt Nam thì quá trình này cũng xảy ra.
Nhưng cũng phải thấy, thực tế là trong những năm qua, nước Mỹ rõ ràng sa sút dần và rơi vào khủng hoảng. Cuộc sống của các nhân vật trong truyện do đó mà bị chèn ép bởi khó khăn kinh tế và những hệ lụy tinh thần của nó.
- So với khoảng thời gian viết tập "Phù phiếm truyện", quan niệm chị dành cho văn chương và người viết văn thay đổi như thế nào?
- Lúc viết Phù phiếm truyện, tôi không có quan niệm gì cụ thể về văn chương và nhà văn. Tôi chỉ thấy văn học có ích trong cuộc sống của tôi và tôi thích viết. Bây giờ thì thực ra tôi cũng không nghĩ gì nhiều hơn thế. Lý do chính mà tôi viết lúc đó và lúc này vẫn chỉ là cái niềm tin rằng "văn chương có sức mạnh lớn", càng ngày tôi càng tin mạnh mẽ vào điều đó. Cái mà bây giờ tôi thấy mình biết nhiều hơn lúc trước thuộc về vấn đề kỹ thuật và việc chuyển dần bản thân tôi vào tư cách nhà văn, thay vì tư cách một người thích viết lách nghiệp dư.
- Chị quan niệm thế nào là một truyện ngắn?
- Nói thực tôi không trả lời được câu hỏi này. Tôi chỉ biết là khi nhìn thấy một sự kiện gì đó, tôi lập tức biết trong đầu là nó có khả năng phát triển hoặc gợi ý cho tôi một truyện ngắn trọn vẹn hay không. Và khi viết thì tôi biết khi nào một truyện ngắn đã trọn vẹn là một truyện ngắn, khi nào thì chưa.
- Chị vừa viết truyện ngắn, lại cũng đã thử sức với tiểu thuyết, vậy thể loại nào khiến chị thích nhất?
- Nói thế này có vẻ ba phải nhưng mà đúng là mỗi cái có cái hay riêng và thách thức riêng. Với truyện ngắn, khi chị có một cái tứ rõ ràng và một chuyện hay để viết (và một nhà văn, ít nhất là tôi, thường có linh cảm chính xác về việc một truyện ngắn có triển vọng trở nên hay hay không) thì viết truyện ngắn mang lại rất nhiều thỏa mãn và là thỏa mãn tức thời, cụ thể, cầm nắm được.
![]() |
Tập truyện ngắn 'Nước Mỹ, nước Mỹ', tác giả Phan Việt, NXB Trẻ - công ty Phương Nam Book thực hiện và phát hành. |
Còn với tiểu thuyết, đấy là một công việc đồ sộ. Từ cuốn Tiếng Người, tôi thấy là viết tiểu thuyết có khả năng rèn và khai mở cho nhà văn rất nhiều thứ mà truyện ngắn khó làm được. Nó đẩy nhà văn lên những tầm suy nghĩ cao hơn. Nhìn chung tiểu thuyết là một thách thức hấp dẫn, vào lúc này nó thách thức tôi hơn truyện ngắn.
- Không ít cây bút khi sống ở ngoài nước thường chọn thể loại tản văn, tạp bút hoặc ký để ghi lại cuộc sống nơi xứ người. Điều gì khiến chị thích thử sức với tiểu thuyết và truyện ngắn hơn?
- Tôi có viết tản văn, tạp bút, bút ký đấy chứ nhưng không muốn in. Dạng thức viết này với tôi là dạng thức đứng lơ lửng giữa văn chương và báo chí. Nó không có tính sáng tạo như văn, mà lại thiếu tính thời sự và chính xác của báo... Tôi chỉ muốn giữ những ghi chép này làm tư liệu thô.
- Khi đã bước vào con đường văn chương, chị chuẩn bị cho mình tâm thế ra sao?
- Lớn nhất là phải chuẩn bị niềm tin cho những lúc mình nản chí, vì qua ba cuốn sách, tôi thấy nản chí là chuyện xảy ra thường xuyên với người viết. Còn những thứ thuộc về kiến thức thì một nhà văn chắc chắn có thể tự học được nếu muốn học.
Mà để chuẩn bị cho lúc mình nản chí thì tôi thấy là nên tập trung vào bản thảo và tin vào bạn đọc của mình. Tôi cứ hay nhớ lại là khi tôi còn nhỏ (và cả bây giờ), bất cứ khi nào cầm một cuốn sách lên, tôi rất háo hức và luôn luôn có một niềm tin tuyệt đối vào tác giả cuốn sách, rằng họ sắp kể với tôi một câu chuyện hay và trung thực (dĩ nhiên là cho đến lúc họ làm tôi thất vọng). Vào lúc nản chí, tôi cứ nghĩ là ở đâu đó, có những người đọc như thế, họ cũng tin tưởng tôi và kiên nhẫn chờ tôi.
- Chị nghĩ gì khi được nhận xét là một trong những nhà văn "tiên báo một chiều kích mới cho văn học Việt Nam hiện đại"?
- Tôi mong đến lúc không còn chữ "tiên báo" nữa.
- Trước khi xuất hiện tại cuộc thi Văn học tuổi Hai mươi và đoạt được giải cao, có bao giờ chị hình dung một ngày nào đó chị sẽ gắn bó với văn chương qua 3 tập sách dày dặn như hôm nay?
- Không, không bao giờ hình dung điều này cả. Tôi cứ nghĩ tôi sẽ đi làm ngân hàng hay giao dịch ngoại thương hay nếu thành công thì có khi mở công ty riêng. Lúc tôi vào đại học, giữa các sinh viên Ngoại thương và trong xã hội lúc đó thì hình như mở công ty riêng là biểu tượng của thành công thì phải. Bạn thử tưởng tượng xem "Công ty trách nhiệm hữu hạn Phan Việt, chuyên kinh doanh tấm lợp xi măng và vật liệu xây dựng", ví dụ thế (cười).
- Ba cuốn sách trong vòng 3 năm, với một cây bút mới như chị đó là "thừa thắng xông lên", "đam mê viết lách" hay chỉ là sự ngẫu nhiên?
- Có sự ngẫu nhiên với cuốn đầu tiên, còn với hai cuốn sau thì là rất nhiều cố gắng. Không có gì là "thừa thắng xông lên" cả vì tôi xác định tôi sẽ viết lâu dài.
- Sống và làm nghiên cứu khoa học tại Mỹ, bận rộn như thế, chị dành thời gian nào để viết lách?
- Nếu muốn viết, nhất định mình sẽ tìm ra thời gian để viết thôi. Tôi cũng không bận hơn những nhà văn trong nước, họ vừa làm báo, vừa nuôi con, vừa viết văn, vừa dạy học.
- Chị hình dung con đường văn chương sau này của mình sẽ như thế nào?
- Tôi hình dung nó dài (cười).
- Với văn chương, chị có vạch kế hoạch cho mình hay không?
- Không, tôi chỉ biết trong 2-3 năm tới, tôi sẽ viết cuốn sách này, cuốn sách kia... Còn sau đó thể nào thì tôi cũng không biết và không thấy cần phải biết.
Cái bất định này cũng là một cái hấp dẫn. Tôi không hình dung được 20 năm nữa thì tôi sẽ viết gì, bởi vì trong vòng chỉ có 3 năm vừa rồi thôi, tôi thấy mình đã lớn lên rất nhiều trong văn chương.
Anh Vân thực hiện