Nhiệt độ phần lõi cơ thể hay còn gọi là nhiệt độ trung tâm luôn ở khoảng 37 độ C. Hạ thân nhiệt xảy ra khi nhiệt độ trung tâm giảm xuống 35 độ C hoặc thấp hơn. Mọi người có thể trải qua hiện tượng hạ thân nhiệt trong điều kiện tương đối lạnh nhưng chưa đến mức đông cứng (từ -1 đến 10 độ C), đặc biệt nếu họ bị ướt như ngấm mưa, đổ mồ hôi hoặc ngâm mình trong nước lạnh. Ở dưới nước, cơ thể mất nhiệt nhanh hơn khoảng 25% so với khi ở trên cạn, theo Michael Sawka, giám đốc ở Viện nghiên cứu Y học Môi trường của quân đội Mỹ (USARIEM).
Ở mức -34 độ C, một người khỏe mạnh không mặc đủ ấm có thể bị hạ thân nhiệt trong vòng 10 phút. Trong khoảng từ -40 đến -45 độ C, hiện tượng hạ thân nhiệt có thể xuất hiện chỉ sau 5 - 7 phút.
Thân nhiệt sụt giảm sẽ khiến các cơ quan nội tạng quan trọng không thể hoạt động bình thường, bao gồm não và tim, theo Mayo Clinic. Kết quả là lượng máu tới nội tạng giảm, đẩy cơ thể tới trạng thái sốc và làm tăng nguy cơ suy gan và suy thận, theo Lenox Glatter, bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện Lenox Hill, New York. Những người nhỏ tuổi hoặc người già có nguy cơ hạ thân nhiệt cao hơn do cơ tim yếu.
Các triệu chứng hạ thân nhiệt nhẹ như run rẩy, suy yếu và rối loạn xảy ra khi nhiệt độ trung tâm vào khoảng 35 độ C. Ở 33 độ C, bạn có thể bị mất trí nhớ. Với thân nhiệt 28 độ C, bạn sẽ mất nhận thức. Từ 21 độ C trở xuống, bạn có nguy cơ tử vong. Kỷ lục nhiệt độ cơ thể thấp nhất mà tại đó một người trưởng thành có thể sống sót là 13,7 độ C, theo nhà nghiên cứu John Castellani ở USARIEM. Khi không được điều trị, hạ thân nhiệt có thể gây suy tim và chết.
Cơ thể người có hai cơ chế để đối phó với điều kiện lạnh giá. Ngay khi gió lạnh táp vào mặt, cơ thể sẽ dồn máu từ da tới những bộ phận nhô ra như ngón tay và ngón chân, đồng thời tới phần lõi. Quá trình này gọi là co thắt mạch máu, giúp hạn chế tỏa nhiệt ra môi trường. Phản ứng thứ hai là run rẩy, góp phần tạo ra nhiệt và làm tăng nhiệt độ cơ thể.
An Khang (Theo Live Science)