Sáng 15/5, Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước đầu năm 2014.
Đặc biệt quan tâm tới vấn đề biển Đông, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: “Đề nghị Chính phủ thực hiện đầy đủ các quyền theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước về Luật Biển năm 1982, thông báo kịp thời đến các tầng lớp nhân dân tạo đồng thuận, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí sức mạnh toàn dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ”.

Nhiều ý kiến quan ngại tình hình biển Đông tại phiên họp thường vụ Quốc hội. Ảnh: Xuân Hoa.
Đề cập tình trạng công nhân một số khu công nghiệp bị kích động dẫn tới hành động đập phá nhà xưởng, thiết bị của doanh nghiệp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dù chúng ta đang có chính nghĩa, song những hành động tự phát của một số ít người đã làm xấu hình ảnh đất nước, xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội và tài sản hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài.
Việc đập phá doanh nghiệp, theo bà Ngân là có sự xuất hiện và đứng sau của các phần tử xấu. Công nhân đã cho biết như vậy.
"Chúng ta gửi thông điệp trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, song cần kiểm soát tình hình tốt hơn và tuyên truyền mạnh mẽ đến đông đảo công nhân, rằng sự thiếu hiểu biết và hành động tự phát như vậy sẽ làm xấu hình ảnh Việt Nam", bà Ngân nói.
Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị Chính phủ cập nhật tình hình biển Đông để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới. Ngoài ra, Chính phủ cần dự báo, đánh giá tình hình, tập trung vào những mặt không thuận lợi và phân tích rõ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm. Cùng với đó có giải pháp cụ thể ứng phó với tình hình.
Chiều cùng ngày, Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012. Theo báo cáo, tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 là 864.050 tỷ đồng. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, song kết quả giảm nghèo được đánh giá là chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Kỳ họp Thường vụ Quốc hội phiên thứ 28 diễn ra trong ba ngày từ 15 đến 17/5.
Đoàn Loan