Chiều 17/11, sau gần một tuần làm việc, HĐXX thẩm vấn tới hành vi phạm tội của bị cáo Phan Sào Nam (39 tuổi, chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online).
Tham vọng là người đi đầu phát triển game bài trực tuyến
Trong trang phục áo sơ mi sáng màu, ống tay vén cao thành từng lớp ngay ngắn, Nam bình tĩnh nói không có quan hệ họ hàng thân thích, chỉ quen Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT CNC) qua mối quan hệ xã hội thông thường từ năm 2015. Riêng với Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn), Nam có mối quan hệ đồng nghiệp 5 năm ở Tổng công ty VTC.
Nam từ lâu nghe nói CNC là công ty bình phong của công an. Khi gặp Dương, Nam được khẳng định điều này. Với lịch sử kinh doanh công nghệ, internet từ lâu của VTC Online nên Nam với Dương bàn kế hoạch phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này.
Cùng thời điểm, Trung gặp Nam đặt vấn đề phát triển game bài. Việc cấp phép game ở thời điểm 2014-2015 khá khó khăn, nhưng khi gặp Dương nói có thể làm được với vai trò phát hành. Bộ ba từ đó hợp tác với nhau. Theo đó, Công ty Nam Việt cấp bản quyền phần mềm cho VTC Online rồi VTC Online cấp lại cho CNC phát hành game tại Việt Nam. Nam và Dương đều kỳ vọng mình là người đi đầu phát triển game bài trực tuyến.
Trong quá trình hoạt động với CNC, Nam mới hiểu game chưa được cấp phép. "Tại sao biết cấp phép khó khăn, chưa được cấp phép vẫn hợp tác?", chủ toạ hỏi. Nam xin HĐXX được trình bày dài.
Theo đó, Nam được Dương nói rằng CNC là công ty bình phong vừa làm kinh tế và có nhiệm vụ trinh sát ngoại tuyến. Nam vừa nói xong, chủ toạ yêu cầu cảnh sát cho Dương ra khỏi phòng cách ly để nghe.
Tiếp tục trình bày, Nam khai khi nghe Dương nói như trên thì hiểu dù chưa có giấy phép nhưng Bộ Công an có thể có cơ chế mở để công ty nghiệp vụ thực hiện mà người ngoài không biết được. Vì thế, hai công ty mới có hợp đồng chính thống và Nam tự tin phát triển game này.
"Trong hợp tác giữa VTC Online và CNC thì giá trị lớn nhất nằm ở chỗ CNC là công ty bình phong của công an", Nam nói.
Giải thích với VKS, Nam cho hay game bài Rikvip/TipClub có năm hình thức thanh toán: nạp thẻ viễn thông, nạp tiền qua ngân hàng, Gocoin, Vcard, thanh toán quốc tế Mycard. Nam chưa bao giờ thử mở game Rikvip ra chơi nên không rõ cụ thể việc nạp tiền thế nào.
Việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật máy chủ do VTC online triển khai giai đoạn đầu. Giai đoạn một, game có tên Rikvip, giai đoạn hai đổi thành Tipclub. Lý do đổi, theo Nam không rõ ràng song vì đây là ý muốn của Dương, về bản chất dịch vụ là giống nhau. Quá trình thực hiện hợp đồng với CNC, khi kết nối hệ thống game kỹ thuật hai bên phải trao đổi nhiều, trong đó có thông tin IP của máy chủ.
VKS ngắt lời, yêu cầu Nam nhìn lên màn hình. Máy chiếu đánh dấu một số địa chỉ IP được cho là của VTC Online giao cho CNC. Nam xác nhận có việc giao hai địa chỉ IP này.
Nhiều cơ quan kiểm tra nhưng không thấy ai xử lý
Trong phần thẩm vấn chiều nay, Nam khai quá trình vận hành game có một số cơ quan chức năng vào kiểm tra nhưng không thấy có kết luận xử lý. Vì vậy, bị cáo rất tin lời của Dương về việc đang trao đổi với cơ quan chức năng để có giấy phép.
Chủ tọa hỏi: "Sao các cơ quan chức năng vào kiểm tra mà công ty không bị xử lý?". Nam nói không biết, song trong tất cả những lần bị kiểm tra đều trao đổi với Dương. Khi đó, Dương nói "anh sẽ xử lý và làm việc với các cơ quan đó". Ngồi ở phía sau, Dương chăm chú theo dõi Nam khai.
Nam còn khẳng định, nếu ngay ở giai đoạn đầu khi các cơ quan chức năng quản lý kiểm tra mà có cảnh báo về việc game không được cấp phép thì sẽ không có hậu quả như vụ án hôm nay.
Gửi 3,5 triệu USD trong tài khoản ngân hàng ở Singapore
Vừa khai vừa ngẫm nghĩ, Nam giải thích game có tính chất đổi thưởng nên phần lớn doanh thu khoảng hơn 9.500 tỷ đồng trong gần 30 tháng vận hành dùng đổi thưởng cho người chơi. Nam nhận tiền để chi phí cho vận hành bản cứng, mềm..., nhưng anh ta không trực tiếp vận hành kỹ thuật mà thông qua đồng nghiệp là Hoàng Thành Trung nên không rõ chi phí mà chỉ chuyển theo yêu cầu.
Trong hơn hai năm kinh doanh game bài, Nam nhận 1.475 tỷ đồng. Với tiền này, Nam khai phần lớn dành cất giữ dạng tiền mặt, một số góp vốn để thành lập một số công ty, lĩnh vực kinh doanh mới, bất động sản.
Chủ tọa yêu cầu khai về việc sử dụng tiền, Nam nói cụ thể như trong cáo trạng, gồm chuyển cho người thân và bạn bè giữ hộ (dì ruột, bạn tên Hưng, Nhung) hay đầu tư vào các công ty sản xuất nội dung số, công nghiệp phần mềm thanh toán, làm về du lịch... Với dì ruột, Nam chuyển 236 tỷ đồng nhờ cất giữ hộ sau đó đầu tư sinh lời giúp. Khi nhờ bạn giữ tiền Nam không nói nguồn tiền từ đâu.
Nam khai đã nộp tiền mặt 1.088 tỷ đồng cho cơ quan điều tra, tổng tài sản đã bị thu hồi là hơn 1.300 tỷ đồng, tương đương 90,7%.
Với số tiền 3,5 triệu USD hiện ở Singapore, Nam khai cho một người bạn vay bằng tiền đồng tại Việt Nam. Nhưng sau đó người bạn đó trả cho bị cáo tại Singapore bằng USD qua tài khoản tại nước này.
"Không có việc chuyển tiền qua biên giới", Nam nói.
Phan Sào Nam mong những người đang bỏ trốn hãy quay về
Trước câu hỏi của luật sư: "Có người nói Phan Sào Nam bị thần kinh mới khắc phục số tiền lớn vậy. Anh nghĩ gì?". Nam nói: "Đó là số tiền lớn nên nói để búng tay một phát thì không phải nhưng khi làm việc với cơ quan điều tra hơn một tháng thì bị cáo nhận thức được sai lầm". Được cơ quan điều tra tạo điều kiện chỉ hơn hai tuần Nam đã thu hồi được số tiền đó, cũng là chưa đầy hai tháng từ khi ra đầu thú.
"Có một thời gian bị cáo bỏ trốn và bị truy nã. Vì sao biết bị điều tra mà trốn?", HĐXX hỏi thêm. Nam cho hay do đi công tác nước ngoài nên không được nhận thông tin về khởi tố hay truy nã. Nhưng trong thời gian này có nghe nói về vụ án ở Việt Nam.
"Đó là một cú sốc và bị cáo muốn suy nghĩ lại quá khứ thế nào. Bị cáo chưa va chạm pháp lý không biết thế nào là khởi tố, điều tra, truy nã nên muốn ở một mình suy nghĩ, sau đó mới về nước", Nam khai.
Luật sư dẫn chứng ngày 8/11/2017 Nam viết đơn xin được lập công chuộc tội với nội dung đề nghị tạo điều kiện để liên hệ với Hoàng Thành Trung, Lê Văn Kiên, Phan Anh Tuấn (đều đang bỏ trốn) sẽ thuyết phục họ hợp tác với cơ quan điều tra và hỏi "tại sao anh lại có ý tưởng đó?".
Nam đáp, thời điểm đó cũng như tới tận bây giờ đã nhận thức được việc mình làm là sai. Các bị cáo trên cũng nên ý thức đó là việc làm sai nên nhanh chóng trở về để phối hợp với cơ quan điều tra, giải quyết vụ việc cũng như khắc phục hậu quả càng sớm càng tốt.
27 tháng vận hành game thu gần 10.000 tỷ đồng
Hồ sơ vụ án xác định, năm 2014 Phan Sào Nam gặp Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn, nguyên giám đốc trung tâm phần mềm – Công ty VTC công nghệ và nội dung số - VTC Intecom) và được Trung khoe sở hữu phần mềm và đội ngũ kỹ thuật giỏi có thể phát triển, kinh doanh hệ thống phần mềm đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài.
Trung đề nghị tìm mượn pháp nhân cho mình để xây dựng và phát triển phần mềm đánh bạc trực tuyến. Đáp ứng việc này, Nam liên hệ với Đỗ Bích Thủy (chủ Công ty TNHH phát triển nhà và đất Nam Việt) và được mở luôn một văn phòng đại diện ở Hà Nội giao cho Trung toàn quyền điều hành.
Biết Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) là công ty bình phong của C50 (Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát), Nam rủ Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch CNC) hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến và được đồng ý.
Đầu tháng 4/2015, Dương chỉ đạo cấp dưới Lưu Thị Hồng (Tổng giám đốc CNC) ký hợp đồng với Nam để cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ, khai thác thương mại game bài với tên RikVip.
Sau khi ký hợp đồng với công ty CNC, Nam chỉ đạo Phan Anh Tuấn (Phó giám đốc công nghệ VTC online) mua thiết bị, ký hợp đồng thuê chỗ đặt máy chủ ở quận Cầu Giấy. Tuấn cùng các nhân viên kỹ thuật công ty VTC Online sau đó thiết lập hệ thống 262 máy để game bài RikVip hoạt động.
Giữa tháng 4/2015, phần mềm được Hoàng Thành Trung dựng xong, bắt đầu tổ chức đánh bạc trực tuyến.
Từ ngày 19/4/2015 đến 29/8/2017, tổng cộng gần 43 triệu tài khoản game được đăng ký. Ngày 9/8/2016 có hơn 18 triệu tài khoản game có người chơi thực, trong đó gần 300.000 tài khoản có cả số điện thoại kèm theo. 500 tài khoản trong số này có số Rik đặt cược trong một lần từ 6 triệu (tương đương 5 triệu đồng).
Nhà chức trách cho rằng tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, 23Zdo, Zon/Pen do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành là gần 10.000 tỷ đồng. Số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ ngày 24/6/2017 đến ngày kết thúc 29/8/2018.
Trong 10.000 tỷ, tiền đánh bạc sử dụng thẻ viễn thông, thẻ game là 8.800 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, vận hành, đường dây được hưởng 4.700 tỷ đồng. Trong đó bị cáo Phan Sào Nam nhận gần 1.500 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương bỏ túi hơn 1.650 tỷ đồng, nhóm Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên được chia hơn 1.570 tỷ đồng.
Bảo Hà - Phạm Dự