Zhou Xiaoxuan, cựu thực tập sinh đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), tố cáo Zhu Jun, MC nổi tiếng của đài, đã cưỡng hôn và sờ soạng cô năm 2014, khi cô còn thực tập tại cơ quan này. Zhu phủ nhận mọi cáo buộc.
Sau quá trình xử kín kéo dài 10 tiếng, tòa án Bắc Kinh hôm 16/9 thông báo Zhou không cung cấp đủ bằng chứng, nhưng không nói rõ là tòa đã xem xét bằng chứng nào.
Khi Zhou rời khỏi tòa lúc nửa đêm, cô cho hay thẩm phán từ chối công nhận một số tài liệu nhất định, bao gồm đoạn video lấy từ camera an ninh bên ngoài căn phòng nơi cô bị quấy rối, cũng như đoạn ghi âm mà bố mẹ cô đã gửi cho cảnh sát ngay sau đó.
"Tôi lấy làm tiếc vì không có được kết quả tốt hơn", Zhou vừa khóc vừa nói. "Chúng tôi chắc chắn tiếp tục kháng cáo". Đám đông bên ngoài hô vang ủng hộ, "trong lòng chúng tôi, cô là người chiến thắng".
Zhou nộp đơn tố cáo Zhu năm 2018. Cùng năm, nam MC này cũng kiện lại Zhou và một phụ nữ đã chia sẻ chuyện của Zhou trên mạng xã hội Weibo tội phỉ báng. Zhou từng chia sẻ một bài viết, trong đó cáo buộc chuyện mình bị quấy rối, trong một nhóm chat riêng. Hiện chưa rõ đơn kiện phỉ báng được thụ lý tới đâu.
Khi Zhou chia sẻ câu chuyện năm 2018, một số phụ nữ Trung Quốc cũng lên tiếng, cho hay từng bị cưỡng hiếp, tấn công hoặc quấy rối tình dục. Các nhà hoạt động nữ quyền ở Trung Quốc hy vọng #MeToo, phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục, có thể phát triển ở Trung Quốc như ở Mỹ.
Nhưng nhiều người bị tố cáo đã quay sang kiện ngược nguyên đơn về tội phỉ báng và một số vụ đã thành công. Những người ủng hộ quyền phụ nữ và chuyên gia pháp lý cho hay vẫn rất khó tiếp cận nạn nhân ở Trung Quốc, dù nhận thức về quấy rối tình dục đã tăng lên.
Tội quấy rối tình dục ở Trung Quốc có thể bị kết án 5 năm tù. Nhưng trong vụ kiện tấn công tình dục mùa hè năm nay liên quan tới một giám đốc của tập đoàn Alibaba, giới chức đã hủy vụ án, tạm giữ người đàn ông này trong 15 ngày vì "hành vi khiếm nhã".
"Họ sẽ không bao giờ để một vụ kiện mang tính biểu tượng như vậy chiến thắng", Wang Heting, một phụ nữ chuyển giới 23 tuổi, người ủng hộ Zhou, phát biểu bên ngoài tòa án.
Đám đông ủng hộ cũng có mặt ở phiên điều trần đầu tiên của Zhou, phiên xử sau đó bị hoãn mà không đưa ra phán quyết. Từ năm 2019, Zhou đã nộp lại đơn kiện theo luật chống quấy rối tình dục mới nhưng bị tòa án từ chối và coi đây là một vụ tranh chấp dân sự.
Giới chức Trung Quốc ngày càng cảnh giác hơn khi thảo luận về các vấn đề giới tính, với hàng chục tài khoản về nữ quyền và LGBT bị xóa khỏi mạng xã hội Trung Quốc gần đây. LGBT là từ viết tắt của cộng đồng đồng tính, song tính, dị tính và phi giới tính.
Phiên điều trần thứ hai của Zhou dự kiến diễn ra vào tháng 5, nhưng tòa hoãn vào phút chót mà không đưa ra giải thích. Weibo, nền tảng mạng xã hội mà Zhou từng chia sẻ thông tin về phiên điều trần đầu tiên, cũng như đăng tin tức về các vụ quấy rối khác ở Trung Quốc, đã khóa tài khoản của cô mùa hè này trong một năm. Zhou thông báo thời gian diễn ra phiên điều trần hôm 14/9 trên một ứng dụng khác là WeChat của Tencent.
Tin tức về phiên điều trần được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng người ủng hộ Zhou, dù bài đăng của cô sớm bị xóa. Một số người ủng hộ chia sẻ ảnh chụp bài đăng trên Weibo cũng bị khóa tài khoản do vi phạm quy tắc đăng tin thất thiệt. Weibo và Tencent không trả lời yêu cầu bình luận.
Cô Wang, một người ủng hộ Zhou, cho biết cảnh sát đã kiểm tra giấy tờ tùy thân của cô 5 lần hôm 14/9 và phản đối khi một cảnh sát giật tờ giấy mà cô đang cầm đề chữ "Chung sức".
Fey, nam thanh niên bên ngoài tòa án mang theo bản sao bộ luật dân sự Trung Quốc, cho hay rất vui khi ngày càng nhiều nạn nhân lên tiếng sau khi Zhou khởi kiện. Anh có mặt để bày tỏ ủng hộ và không quan tâm đến kết quả.
"Khi chúng tôi ủng hộ, họ sẽ sẵn sàng tiến lên phía trước", Fey nói.
Hồng Hạnh (Theo Wall Street Journal)