Chiều 15/8, TAND TPHCM mở phiên họp giải quyết yêu cầu của Công ty cổ phần M-TP Talent có trụ sở tại quận 7, về việc hủy phán quyết trọng tài thương mại liên quan đến tranh chấp với Công ty TAD Global Việt Nam (Công ty TAD).
Công ty M-TP Talent do ông Nguyễn Thanh Tùng - tức ca sĩ Sơn Tùng M-TP, làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật.
Theo nội dung vụ án được công khai tại các phiên họp, tháng 3/2022, Công ty TAD ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và quyền sử dụng hình ảnh với Công ty M-TP Talent, tổng giá trị hơn 25 tỷ đồng, thời hạn một năm.
Theo thỏa thuận, ca sĩ Sơn Tùng sẽ tham gia sản xuất, tạo ra các nội dung kỹ thuật số sau đó sử dụng trên nền tảng vũ trụ ảo gọi là RACA. Công ty TAD sẽ tạo ra vùng đất của nghệ sĩ Sơn Tùng M-TP trên nền tảng RACA bao gồm nhân vật, hình đại diện và các vật phẩm ảo.
Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty TAD đã thanh toán 100% phí dịch vụ. Tháng 5/2022, do Sơn Tùng bị xử phạt hành chính vì MV There's no one at all, Công ty TAD không muốn thực hiện các hạng mục công việc trong khoảng thời gian tiếp theo. Do đó, các hạng mục chưa hoàn thành bao gồm tham dự một buổi ghi hình biểu diễn, quay và đăng bài trên mạng xã hội, với tổng giá trị khoảng 6,2 tỷ đồng.
Khi thời hạn hợp đồng sắp kết thúc, hai bên thảo luận về việc gia hạn hợp đồng để thực hiện một số hạng mục chưa hoàn thành. Đến tháng 6/2023, trong lúc các bên đang chuẩn bị thực hiện những công việc còn lại để thanh lý hợp đồng, M-TP Talent tuyên bố từ chối thực hiện với lý do hợp đồng đã hết hạn từ tháng 4/2023.
Tháng 8/2023, Công ty TAD đã khởi kiện M-TP Talent tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải hoàn trả phần giá trị hợp đồng chưa thực hiện và tiền phạt 8% giá trị của phần chưa thực hiện, tổng cộng là 6,7 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, M-TP Talent cho rằng, việc công ty có ý chí tiếp tục thực hiện một số hạng mục trong hợp đồng sau tháng 4/2023 là thể hiện thiện chí chứ không phải là thực hiện nghĩa vụ. Bởi, việc gia hạn hợp đồng phải được thực hiện bằng văn bản do người đại diện theo pháp luật của hai bên ký.
Ngược lại, nguyên đơn cho rằng hợp đồng đã được gia hạn bởi người đại diện của bị đơn và kèm theo các bằng chứng gồm các email trao đổi giữa các bên và sự xác nhận của bị đơn tại phiên xử thứ 2.
Theo bị đơn, nguyên đơn đã đưa ra kế hoạch, lịch biểu, các yêu cầu thực hiện dịch vụ bất hợp lý khiến bị đơn không thể thực hiện và có quyền từ chối mà không phải hoàn tiền.
Trong khi đó, nguyên đơn cho rằng lý do thực ra là ca sĩ Sơn Tùng bận rộn, bị trùng lịch, không ưu tiên thực hiện dịch vụ dẫn tới công việc không hoàn thành...
Sau nhiều phiên làm việc, Hội đồng trọng tài đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên buộc phía M-TP Talent phải trả cho nguyên đơn 80% giá trị các dịch vụ chưa hoàn thành tương ứng với số tiền 4,9 tỷ đồng và 397 triệu đồng tiền thuế nguyên đơn đã đóng cho bị đơn (trên 80% giá trị dịch vụ chưa hoàn thành).
Cho rằng phán quyết trọng tài đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản pháp luật khi công nhận các email, tin nhắn trao đổi giữa hai bên về việc thực hiện các hạng mục chưa thực hiện là gia hạn hợp đồng, Công ty M-TP Talent đã có đơn đề nghị tòa án hủy phán quyết nói trên.
Tại các phiên họp, phía Công ty M-TP Talent cho rằng, Hội đồng trọng tài vi phạm các nguyên tắc cơ bản như: không tôn trọng sự thỏa thuận của các bên; phán quyết trọng tài có phần cảm tính khi xét mức độ lỗi.
Trong khi đó, Công ty TAD không chấp nhận đề nghị của bên yêu cầu, khẳng định phán quyết trọng tài là phù hợp với nguyên tắc trong Luật Trọng tài, đề nghị tòa bác đơn yêu cầu.
Nêu quan điểm, đại diện VKS TPHCM cho rằng quyết định trọng tài là phù hợp, không cảm tính, nên đề nghị tòa bác yêu cầu của Công ty M-TP Talent.
Đương sự không thể nghe phán quyết của tòa
Tuy nhiên, sau khi nghị án, Hội đồng xét họp chấp nhận yêu cầu của Công ty M-TP Talent, tuyên huỷ phán quyết trọng tài vì "vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật". Hội đồng cũng đưa ra các căn cứ cho phán quyết của mình, song đương sự và những người dự khán không nghe rõ.
Các bên đương sự nhiều lần ý kiến về việc không nghe được nội dung phán quyết, xin phép Hội đồng được đứng gần thẩm phán để nghe cho rõ nhưng vẫn "không thể nghe được gì".
Sau khi tuyên án, một thẩm phán là thành viên hội đồng phiên họp cho biết chủ tọa "bị viêm họng nên không thể đọc lớn", không giải thích lý do chủ tọa không dùng micro có sẵn trong phòng họp.
Kết thúc phiên họp, người đại diện ủy quyền cho Công ty TAD nói "khá sốc với phán quyết trên" vì đi ngược với diễn biến và đề nghị của VKS. Ông này cho biết tiếp tục theo đuổi vụ tranh chấp, trong thời gian tới sẽ nộp đơn khởi kiện Công ty M-TP Talent ra TAND quận 7.
Hải Duyên