Trong lá đơn gửi tới Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) - đơn vị tổ chức giải thưởng, ông Quang cho rằng "Phần mềm kế toán MISA là tài sản do nhóm MISA thuộc Viện CNTT (trực thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, nay là Viện Khoa học và công nghệ quốc gia) nghiên cứu và phát triển từ năm 1994, đứng đầu nhóm này là ông Lữ Thành Long, Giám đốc hiện tại của công ty Cổ phần MISA. Sản phẩm này từng được triển khai cho nhiều doanh nghiệp dưới danh nghĩa của Viện CNTT. Phần mềm MISA cũng đã được gửi đi tham dự và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng". Vì vậy, theo ông Quang, hiện nay, MISA được đăng ký tham dự giải thưởng Sao Khuê dưới danh nghĩa của công ty Cổ phần MISA, được thành lập vào năm 2002, là không có sự rõ ràng về nguồn gốc và chủ sở hữu đích thực của sản phẩm này.
Trong khi tại cuộc họp với báo giới hôm qua, ông Lữ Thành Long, Giám đốc công ty Cổ phần MISA, thì lại khẳng định một cách chắc chắn rằng ông là chủ sở hữu của phần mềm MISA - sản phẩm đã được đăng ký chứng nhận bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. "MISA là nhóm do cá nhân tôi tự đứng ra thành lập và bỏ tiền túi để đầu tư nghiên cứu và Viện CNTT không hề liên quan đến sản phẩm MISA của nhóm. Việc triển khai phần mềm này cho các doanh nghiệp được thực hiện thông qua Viện CNTT vì lúc đó chúng tôi chưa có tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng kinh tế", ông Long khẳng định và cho biết thêm đã nộp thuế đầy đủ theo quy định của Nhà nước.
Hiện VINASA đã mời công ty Luật Gia Phạm, đồng thời gửi công văn đến Cục Sở hữu trí tuệ, Viện CNTT, Công ty BuCA, Công ty MISA và các cơ quan liên quan để xem xét giải quyết trường hợp kiến nghị này một cách sớm nhất. "Tất cả đang chờ đợi câu trả lời từ phía Viện CNTT, đơn vị có nhiều liên quan đến phần mềm kế toán MISA. Nếu mọi việc không được giải quyết rõ ràng trước ngày 19/3, thời điểm tiến hành chấm vòng chung khảo giải thưởng Sao Khuê, thì rất có thể phần mềm kế toán MISA sẽ bị tạm hoãn việc xét giải", ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký VINASA, cho biết.
Văn Thắng