Khi người dùng truy cập các trang web uy tín nhưng liên tục thấy những cửa sổ mới mở ra (pop-up), địa chỉ trang chủ trên trình duyệt của bạn bị thay đổi. Và ngay cả khi thiết lập lại, khôi phục cài đặt mặc định, tình trạng trên vẫn tái diễn. Rất có thể máy tính của bạn đã bị nhiễm phần mềm độc hại và khống chế một số quyền điều khiển.
Phần mềm này được bí mật cài đặt lên máy tính người dùng, thường chia làm hai loại: Các phần mềm quảng cáo bất hợp pháp (adware) và phần mềm gián điệp (spyware). Xuất hiện sau virus cả chục năm, vào những năm 1995, adware và spyware ban đầu chỉ có mục đích phát tán quảng cáo và thu thập các thông tin để các công ty thúc đẩy, nâng cao hiệu quả quảng cáo trên Internet.
Đến những năm 2002, spyware "biến tướng" theo hướng tiêu cực, trở thành các phần mềm độc hại và bị phát tán rộng trên Internet. Spyware lúc này được biết đến là những phần mềm gián điệp, được thiết kế độc lập với mục đích theo dõi thông tin người dùng. Giống như một loại "bệnh dịch", spyware nhanh chóng lây lan cho người dùng Internet ở khắp thế giới.
Theo FaceTime Communications, ước tính hơn 80% trong tổng số máy tính cá nhân trên toàn thế giới bị nhiễm phần mềm gián điệp. Spyware trở thành mối đe dọa với nhiều doanh nghiệp và xâm phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dùng.
Ban đầu, spyware "chạy" vào máy tính khi bạn cài đặt một số phần mềm miễn phí, các ứng dụng bẻ khóa (crack, keygen...) một cách thầm lặng. Đó là lý do mà các chuyên gia bảo mật vẫn luôn cảnh báo: không có thứ gì hoàn toàn miễn phí, ngay cả trên Internet.
Các phần mềm gián điệp còn "đánh" vào sự hiếu kỳ của người dùng khi liên tục "nhảy" ra các thông báo hấp dẫn, yêu cầu thực hiện một số bước để xem tiếp. Nếu bạn lơ là, mất cảnh giác mà làm theo thì rất có thể máy tính đã bị nhiễm phần mềm gián điệp. Những trang web có nội dung không lành mạnh, web sex... được coi là "ổ dịch" của virus và spyware khi 80% trong số đó ẩn chưa mối nguy hiểm.
Ngay cả khi cảnh giác, dù không cài đặt hay làm theo thì chỉ cần truy cập là người dùng đã có nguy cơ nhiễm spyware. Một số phần mềm gián điệp khai thác lỗ hổng trên các trình duyệt và chờ trực bạn ghé thăm là sẵn sàng "chui vào" rồi "ẩn náu" trong máy tính.
Không chỉ xuất hiện trên máy tính, phổ biến với các thiết bị dùng hệ điều hành Windows, spyware còn có những phiên bản được thiết kế chạy trên điện thoại thông minh, máy tính bảng. Nguy hiểm hơn, một số nhà sản xuất còn cài sẵn các phần mềm theo dõi trên sản phẩm điện tử trước khi xuất xưởng.
Trước đây, spyware đi kèm các phần mềm miễn phí, những ứng dụng bẻ khóa và được coi là "cái giá phải trả" vì người dùng không mất tiền. Song việc cài sẵn phần mềm độc hại trên các thiết bị còn chưa bóc hộp, từ những nhà sản xuất tên tuổi, đặt ra thách thức mới về quyền riêng tư của người dùng.
Với smartphone, tablet chứa phần mềm gián điệp, nó có khả năng nghe lén các cuộc đàm thoại, sao chép danh bạ và thư viện ảnh, tải ứng dụng rác vào máy, đọc và gửi SMS, vô hiệu hóa phần mềm diệt virus, tra cứu lịch sử truy cập web... Do được nhà sản xuất cài sẵn nên các chuyên gia bảo mật đánh giá: hầu như người dùng thông thường không nhận ra và spyware được lưu trong firmware nên rất khó để gỡ bỏ...
Xuất phát từ mục đích thu thập thông tin giúp việc quảng cáo trên Internet hiệu quả hơn, spyware xuất hiện và liên tục biến tướng, trở thành công cụ theo dõi, đánh cắp thông tin người dùng. Theo thống kê của Websense, khoảng 20% tổ chức từng sử dụng các công cụ nhằm ghi lại các thao tác trên bàn phím (keylogger, một dạng của spyware).
Mặc dù người dùng, đặc biệt trong doanh nghiệp đã được nâng cao ý thức bảo mật, song đây vẫn là mối nguy hiểm lớn. Thống kê cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp phải đối đầu với phần mềm gián điệp và nguy cơ rò rỉ thông tin.
Theo Washington Post, giới chức Mỹ chỉ trích các tổ chức từ Trung Quốc "tích cực" trong việc xâm nhập vào máy tính nước khác để đánh cắp bí mật thương mại, phục vụ cho kinh tế nước mình. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ năm 2014, các vụ gián điệp kinh tế tại nước này đã tăng 53% trong đó Trung Quốc tham gia tới một nửa.