Trên các trang rao vặt, diễn đàn, hầu hết phần mềm diệt virus có tên tuổi như Trend Micro, McAfee, AVG, ESET, Bit Defender, Panda... đều được rao bán với giá rẻ hơn nhiều so với giá chính hãng công bố. Trong khi phần mềm diệt virus chính hãng được niêm yết trên trang web chính thức của các công ty đều có giá từ 299.000 đồng một năm một máy tính trở lên, nhưng nếu mua qua các quảng cáo ra rao vặt này thì chỉ 135 nghìn đồng một bản, phổ biến nhất là giá 50.000 đồng. Thậm chí, các phiên bản cũ hơn (từ năm 2011), hay mua nhiều năm còn rẻ hơn nữa, khoảng 50 nghìn đồng một key một năm hay 100 nghìn đồng một key 2 năm, 120 nghìn đồng một key 3 năm.
Từ số điện thoại 0974xxxxxx, người bán cho biết cứ chuyển tiền rồi sẽ chuyển "key" vào điện thoại (nghĩa là nhắn tin mã số cài đặt cho). Hầu hết các bên rao đều đưa ra hình thức mua bán kiểu này... Chỉ số ít sử dụng hình thức giao thẻ hay CD thay vì gửi key.
Ông Nguyễn Đăng Khang, một kỹ thuật viên máy tính cho biết, nếu số key được gửi qua tin nhắn, nhiều khả năng đây là key bẻ khóa. Các phần mềm này có thể vẫn sử dụng được bình thường nhưng nếu nhà sản xuất phát hiện ra lỗ hổng này và khắc phục thì người dùng không sử dụng được nữa.
Theo ông Ngô Việt Khôi, đại diện công ty Trend Micro, các phần mềm diệt virus có giá rẻ như trên có thể do các nhà phân phối bán lại theo kiểu phá giá thị trường hoặc quà tặng khuyến mại. Hai dạng này thường có thẻ hoặc CD giao đàng hoàng nhưng số lượng không nhiều. Riêng với hàng từ nguồn quà tặng khuyến mại thường có thời gian không dài, chỉ 3 hoặc 6 tháng. Ông Khôi cho rằng cũng có thể nghĩ đến những trường hợp mạo danh rồi bán key bẻ khóa hoặc lừa bán cho người dùng bản dùng thử (một số hãng phần mềm có bản dùng thử miễn phí tới 30 ngày). Tuy nhiên, khả năng bẻ khóa với những phần mềm bảo mật không hề dễ. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng lừa đảo, người dùng thanh toán rồi mà không thấy "key" đâu.
Thực tế, Số Hóa đã nhận được thông tin từ bạn đọc phản ánh về việc bán phần mềm diệt virus AVG hay ESET NOD32 với giá 50.000 đồng của một công ty quảng cáo trên mạng. Công ty này rao bán điện thoại Nokia 1280 với giá chỉ 99.000 đồng, với điều kiện người mua phải bỏ 50.000 đồng mua phần mềm diệt virus ESET NOD32 và người mua nộp tiền trước (có hợp đồng đi kèm), số key được hứa sẽ gửi qua email. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh không nhận được key, còn điện thoại, công ty khất lần (lý do đang kiểm hàng hay khi nào có đủ 2.500 người mua sẽ giao hàng tận nhà...). Trên các diễn đàn, rất nhiều topic cảnh báo về hình thức lừa đảo chủ yếu quảng cáo dán ở các cổng đại học, cao đẳng tại TP HCM này.
Mới đây, một công ty độc quyền phân phối phần mềm Kaspersky tại Việt Nam cũng giật mình khi phát hiện hai trang web kasperskyvietnam.com và kaspersky.net.vn được lập ra để bán phần mềm Kaspersky giả mạo (thực chất là bán phần mềm Kaspersky bẻ khóa rồi gán key giả, đóng gói lại bán cho người dùng). Những trang web giả mạo này còn tổ chức tinh vi tới mức thuê người đi giao và hỗ trợ cài đặt sản phẩm diệt virus từ xa mà thực chất là gắn virus và trojan đánh cắp thông tin của người sử dụng.
Ông Ngô Trần Vũ, đại diện Nam Trường Sơn, đơn vị phân phối Kaspersky tại Việt Nam, cho biết đang xúc tiến để đưa vụ việc trên ra pháp luật nhưng cũng rất khó khăn vì đây là trang web do một cá nhân đăng ký.
Theo một kỹ thuật viên về máy tính, để tránh thiệt hại, người dùng nên mua phần mềm diệt virus từ thẻ hoặc CD nguyên hộp. Tốt nhất, nên mua từ các cửa hàng, đại lý tin cậy. Ngoài ra, nếu muốn mua qua mạng thì nên mua trực tiếp từ trang web chính hãng, không nên mua qua nguồn thứ ba và đặc biệt, không nên ham đồ rẻ, mua hàng không rõ nguồn gốc.
Hải Mỹ