Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Mai Tiến Dũng - Giám đốc Bệnh viện Phúc An Khang cho biết đã nhận được thông báo ngưng tiếp nhận bệnh nhân kể từ ngày 16/4 và ngưng toàn bộ hoạt động bệnh viện từ ngày 28/4 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định chưa nhận được văn bản chính thức của Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM về việc đồng ý cho ngưng hoạt động.
"Hiện chưa có quyết định chính thức nào từ Sở Kế hoạch đầu tư. 4000 thẻ bảo hiểm y tế đã ký hợp đồng một năm. Bệnh viện cũng nằm trong hệ thống cấp cứu 115. Muốn đóng cửa bệnh viện thì phải giải quyết hàng loạt các vấn đề, không phải muốn chấm dứt ngay là được. Bệnh viện sẽ vẫn phải tiếp tục hoạt động", ông Dũng cho hay.
Sáng 11/4, ông Mai Tiến Dũng và luật sư đại diện cho Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM để tìm hướng giải quyết. Phía Hội đồng quản trị đồng ý trả lương tháng 2/2017 cho cán bộ, nhân viên và phải trình phương án giải quyết các vấn đề có liên quan đến bệnh viện trong tuần này cho Thành phố nếu muốn tạm ngưng hoạt động.

Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang được chuyển đổi công năng từ 5 block chung cư Thái Bình Plaza.
Phúc An Khang là bệnh viện đầu tiên của TP HCM được chuyển đổi công năng từ 5 block chung cư cao cấp Thái Bình Plaza. Cơ sở này có quy mô 500 giường bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Trong số này, 2.000 tỷ là vốn xây 5 block chung cư, 300 tỷ đồng là chi phí chuyển đổi công năng, và 200 tỷ đồng là chi phí đầu tư bệnh viện.
Đến nay, Phúc An Khang có 4.000 bệnh nhân đăng ký khám bảo hiểm y tế, 14 bệnh nhân chạy thận nhân tạo lâu năm. Trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân, ngoài ra còn có khách khám theo đoàn. Với công suất này, bệnh viện chỉ mới khai thác tầng trệt của 5 block và tầng trên của 2 block khu nhà.
Theo tuyên bố gần đây của ông Diệp Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang, từ khi thành lập đến nay, công ty liên tục bù lỗ vì bệnh viện hoạt động không hiệu quả. Tính đến ngày 9/3, sau hơn 2 năm hoạt động, bệnh viện đã lỗ lũy kế trên 60 tỷ đồng chưa bao gồm lãi vay ban đầu. Đến nay bệnh viện không còn đủ tài chính để duy trì nên phải ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng cho biết không rõ Hội đồng quản trị dựa vào những thông tin nào để kết luận về khoản lỗ hơn 60 tỷ. Theo ông, việc bệnh viện đóng cửa là do áp lực từ chính khoản lãi vay ban đầu để làm hạ tầng. "Lỗ là lỗ ở lãi vay đầu tư xây dựng ban đầu nên phải đến bước đóng cửa. Chính vì vậy, khi hoạt động không có nguồn vốn. Hiện nay, doanh thu mỗi tháng của bệnh viện khoảng 3 tỷ đồng. Nếu trả lương thì ổn, nhưng còn thêm chi phí mua thuốc và khấu hao thiết bị. Các khoản này thì phải bỏ vốn ra trước mới nhập hàng được", ông Dũng nhận định và cho biết doanh thu của Phúc An Khang năm 2015 đạt 30 tỷ đồng và 2016 là 34 tỷ.
Ông Diệp Văn Phát cũng đã từng nêu ý định tạm ngưng hoạt động bệnh viện để rao bán hoặc xin chuyển đổi công năng một phần công trình để bán lấy tiền trả nợ. VnExpress đã có liên hệ nhưng ông Phát từ chối chia sẻ thêm thông tin hay bình luận gì cho đến khi có quyết định của UBND TP HCM.
Trong khi đó, theo ông Dũng, việc chuyển công năng Thái Bình Plaza từ chung cư sang bệnh viện vào giai đoạn bất động sản đóng băng cách đây 6 năm là một lẽ. Nếu có ý định chuyển ngược lại công năng từ bệnh viện sang chung cư để bán trong giai đoạn nhà đất đang sôi động trở lại, là cả một vấn đề.
"Tư nhân mà đầu tư vào lĩnh vực an sinh xã hội thì được, chứ từ lĩnh vực này mà đòi chuyển ngược lại thì rất khó. Anh đã hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước cho lĩnh vực này rồi mà giờ đòi chuyển lại nữa thì theo tôi là không thể", ông Dũng nói.
Viễn Thông