Tại sự kiện thương mại điện tử do TikTok tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội, bà Lê Minh Trang, đại diện công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, đánh giá nền kinh tế số có thể coi là một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.
Trong số này, thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những mảng lớn nhất. Theo báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2023 của Bộ Công Thương, từ 2018 đến 2023, tăng trưởng của quy mô thị trường bán lẻ TMĐT liên tục ở mức hai con số, từ 16% đến 25%, trong đó năm 2023 có thể đạt quy mô 20,5 tỷ USD.
Để làm rõ hơn chân dung người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam, Nielsen năm 2023 cũng đã khảo sát người tiêu dùng tại bốn thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng. Kết quả cho thấy, người mua hàng online đa phần là người trẻ, tuổi trung bình 31, trong đó 58% là nữ, 83% có trình độ đại học trở lên.
Về nghề nghiệp, 78% người mua hàng trực tuyến là nhân viên văn phòng, trong khi chỉ 12% là lao động tự do, 6% là sinh viên. Kết quả khảo sát cũng cho thấy phần lớn người mua hàng online đã kết hôn, với tỷ lên 71%, và 68% có thu nhập hộ gia đình trên 15 triệu đồng.
Một xu hướng lớn cũng được Nielsen chỉ ra là Shoppertainment, tức giải trí kết hợp mua sắm, điển hình là phát trực tiếp (livestream) trên sàn TMĐT tại Việt Nam. Hình thức này nở rộ thời gian qua, thu hút người dùng bởi khả năng dễ tương tác với bên bán, xem sản phẩm chi tiết và có nhiều phiên mang tính giải trí cao. 64% người được hỏi nói đã mua hàng "vô thức" khi xem livestream.
Tại sự kiện, đại diện TikTok đánh giá xu hướng mua sắm kết hợp giải trí, cùng video ngắn có tác động đến hành vi mua hàng của người dùng. Theo thống kê của đơn vị này đến hết tháng 11/2023, có hơn 2,8 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam đang hoạt động trên nền tảng.
Dc dù sự tiện lợi khi mua sắm cùng sự phong phú của sản phẩm là yếu tố chính thúc đẩy mua hàng trực tuyến, người dùng trong nước cũng có nhiều lo ngại, đặc biệt về chất lượng sản phẩm.
84% người được khảo sát lo ngại chất lượng hàng hóa cũng như việc không thể kiểm tra sản phẩm, trong khi 68% lo ngại yếu tố về giao hàng như chi phí cao, thời gian kéo dài. 59% cho biết họ không tin tưởng người bán hàng trực tuyến hoặc từng có trải nghiệm không tốt. Ngành hàng công nghệ là một trong những ngành có mức giảm lớn nhất, do người dùng hiện có thể dễ dàng ra cửa hàng để trải nghiệm thực tế và xem kỹ hơn sản phẩm trước khi mua.
Lưu Quý