Trong khi nhiều quốc gia trên khắp châu Âu chật vật giải quyết khủng hoảng năng lượng, giá điện ở Phần Lan giảm xuống mức âm vào đầu tuần này, Insider hôm 25/5 đưa tin. Giá điện âm có nghĩa là nguồn cung cấp điện trên thị trường vượt quá nhu cầu. Dù có vẻ khác thường, giá điện âm có thể đem lại cả tác động tích cực và tiêu cực.
Về mặt tích cực, tình trạng trên có lợi cho người tiêu dùng khi chi phí điện giảm hoặc bằng 0, kéo theo hóa đơn tiền điện thấp. Tuy nhiên, giá điện âm có thể gây ra những thách thức về tài chính cho nhà sản xuất điện. Họ có thể gặp khó khăn trong việc trả chi phí vận hành và tạo ra doanh thu. Điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận và đầu tư vào các dự án năng lượng trong tương lai.
Giá điện trung bình thấp hơn mức 0 đến từ hai nguyên nhân chính: năng lượng tái tạo thặng dư chưa từng thấy và mức tiêu thụ điện của người dân Phần Lan giảm dưới tác động của cuộc khủng hoảng do chiến sự Nga - Ukraine. Hiện tượng này đánh dấu cú lội ngược dòng của Phần Lan khi mùa đông năm ngoái, chính phủ vẫn kêu gọi người dân tiết kiệm điện. Phần Lan đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi áp lệnh cấm nhập khẩu điện từ quốc gia láng giềng là Nga nhằm phản đối chiến tranh ở Ukraine.
Tuy nhiên, tình hình thay đổi đáng kể với việc khánh thành nhà máy hạt nhân mới hồi tháng 4 năm nay, giúp cung cấp một lượng lớn điện cho 5,5 triệu người dân Phần Lan. Olkiluoto 3 là nhà máy điện hạt nhân mới, hoạt động ở châu Âu sau hơn 15 năm. Nhờ đó, giá điện tại Phần Lan giảm tới 75% (245,98 EUR/megawatt-giờ từ tháng 12/2022 xuống còn 60,55 EUR/megawatt-giờ trong tháng 4/2023). Ngoài ra, với mục tiêu không thải carbon vào năm 2035, Phần Lan vẫn tích cực theo đuổi các giải pháp năng lượng tái tạo, trong đó đến năm 2027, điện gió sẽ trở thành nguồn năng lượng chủ đạo.
Ngoài hai yếu tố trên, đợt lũ trong mùa xuân vừa qua ở một số nước Bắc Âu cũng khiến giá điện giảm mạnh. Băng tuyết tan quá nhanh khiến các nhà máy thủy điện Phần Lan buộc phải hoạt động quá mức, xảy ra tình trạng thừa sản lượng. "Trong đợt lũ mùa xuân, khả năng điều tiết của các nhà máy thủy điện rất kém vì lượng nước quá lớn, không thể sản xuất chậm hơn mà cũng không thể dừng lại", Jukka Ruusunen, giám đốc điều hành nhà vận hành lưới điện Fingrid, cho biết.
Trong tình hình như vậy, các nhà sản xuất tại Phần Lan cần phải chú ý nhiều hơn đến những giải pháp điều tiết sản lượng để tránh thua lỗ.
An Khang (The Tech Times)