"Vấn đề đầu tiên với Phần Lan là liệu chúng tôi có đóng quân ở quốc gia này hay không? Hiện chưa có yêu cầu nào như vậy, nhưng nó có thể xảy ra trong tương lai và khi đó chúng tôi sẽ phải xem xét", đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, hôm 3/4 cho hay.
Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO từ ngày 4/4, tăng gấp đôi chiều dài biên giới trên đất liền giữa liên minh quân sự và Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Moskva sẽ tăng cường năng lực quân sự ở phía tây và tây bắc trong những năm tới để phản ứng với động thái của Phần Lan.
"Chúng tôi chưa thấy bất kỳ sự di chuyển cụ thể nào của quân đội Nga, chủ yếu vì họ cần huy động lực lượng cho chiến trường Ukraine. Họ không thể bố trí nhiều quân dọc biên giới với Phần Lan, nơi không có mối đe dọa trực tiếp từ NATO", ông Bauer nói.
Đô đốc Hà Lan nhấn mạnh rằng các kế hoạch bảo vệ thành viên mới nhất của liên minh khỏi mọi cuộc tấn công tiềm tàng sẽ phụ thuộc vào chính Phần Lan vì "nước này có quân đội đầy tiềm lực". Ông cũng khẳng định các nước thành viên NATO sẽ bảo vệ Phần Lan thông qua tiếp viện chiến lược nếu Nga tấn công quốc gia Bắc Âu.
Bauer nhận định việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ giúp NATO bảo vệ sườn đông "dễ dàng hơn" khi 7 trong số 8 quốc gia Bắc Cực sẽ thuộc liên minh, trong khi biển Baltic sẽ "ngày càng trở thành khu vực nằm trong lãnh thổ NATO. "Nga sẽ khó hành động nếu NATO nắm được những gì họ đang làm", ông cho hay.
Thụy Điển và Phần Lan hồi tháng 5/2022 nộp đơn xin gia nhập NATO, kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết về quân sự. Để trở thành thành viên liên minh, hai quốc gia Bắc Âu phải được quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên phê chuẩn đơn xin gia nhập.
Phần Lan đã nhận được sự ủng hộ từ cả 30 nước NATO, trong khi Thụy Điển vẫn gặp sự cản trở từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Các quan chức NATO ban đầu bác bỏ việc tách rời nỗ lực của hai nước nhưng hiện chấp nhận khả năng Helsinki gia nhập trước.
Huyền Lê (Theo AFP)