Đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của “người chắp cánh cho những vần thơ” sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội lúc 20h, ngày 10/11 với tên gọi "Tình yêu ở lại". Khán giả sẽ được thưởng thức những ca khúc bất hủ như Tình trong lá thiếp, Hành khúc ngày và đêm, Đoàn giải phóng quân, Bóng cây Kơnia, Thuyền và Biển, Anh ở đầu sông, em cuối sông, Ở hai đầu nỗi nhớ, Cuộc đời vẫn đẹp sao... Chương trình do công ty FPT tài trợ và được phát sóng trên kênh VTV3.
"Nghệ sĩ mà không có bóng hồng là điều vô lý". |
- Nguyên nhân nào ông lựa chọn tên chủ đề của đêm nhạc là “Tình yêu ở lại” chứ không phải tên một ca khúc nổi tiếng của mình như thông thường?
- Tên gọi của chương trình xuất phát từ một hình ảnh rất đẹp trong câu cuối của bài Thơ tình cuối mùa thu - thơ Xuân Quỳnh do tôi phổ nhạc. Tôi vô tình đọc được bài thơ này trên báo Văn Nghệ Tết ở Hà Nội. Xuân Quỳnh là người rất tinh tế, trong bài thơ có nhiều lời thơ đẹp. Đặc biệt là các hình ảnh “mùa thu vàng hoa cúc” và “chỉ còn tình yêu ở lại”. Đọc xong, cảm xúc của tôi dâng lên mạnh mẽ và tôi đã phổ nhạc bài thơ trong khoảng thời gian rất ngắn. Theo quan niệm của tôi, cuộc sống của một con người cần có ba điều: hơi thở - cơm ăn áo mặc và tình yêu. Đó không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà là tình yêu chan hòa cho hết thảy.
Sau 85 năm sống trên cõi đời này, đến giờ, tôi vẫn thấy rằng, của cải, tài sản là thứ không tồn tại, mà tình yêu giữa người với người, tình yêu với cuộc sống, quê hương, gia đình mới là vĩnh cửu và mang lại giá trị của cuộc sống.
- Đêm nhạc có ý nghĩa gì với ông lúc này?
- Sau một chặng đường dài của cuộc sống, tôi chưa bao giờ dám mơ ước đến một đêm nhạc dành cho riêng mình. Tôi đã vào Nhà hát Lớn Hà Nội ít nhất 100 lần nhưng hoàn toàn không nghĩ mình có khả năng tổ chức tại đây. Nhiều nghệ sĩ có thể bỏ ra vài trăm triệu để làm album, nhưng với tôi 10 triệu đồng bây giờ cũng là một số tiền lớn.
Để có thể tổ chức được chương trình “Tình yêu ở lại” lần này, tôi phải cảm ơn rất nhiều đối với đơn vị tài trợ. Họ cũng rất tôn trọng tác giả và có kế hoạch tổ chức khá chuyên nghiệp. Công tác chuẩn bị cho chương trình đã được tiến hành từ vài tháng nay.
- Ông lựa chọn các ca khúc nào trong số hơn 100 sáng tác để bày tỏ tình yêu của mình?
- Các ca khúc biểu diễn trong đêm nhạc đã được tôi cùng Ban tổ chức lựa chọn khá kỹ càng. Lúc đầu, chúng tôi chọn 21 ca khúc nhưng cuối cùng phải rút lại còn 18 để vừa với thời lượng hai tiếng đồng hồ. Đây là những bài hát mang đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong chặng đường mấy mươi năm cuộc đời của tôi.
Thí dụ, bài hát Tình trong lá thiếp là dấu ấn của câu chuyện tình yêu thời kỳ hai miền còn chia cắt, các đôi nam nữ ở hai đầu chia sẻ tình cảm với nhau chỉ trong vài dòng của thư ngắn. Những ánh sao đêm là tâm tình của những người đi tập kết ở miền Bắc gửi gắm hy vọng sẽ trở về xây dựng miền Nam. Hoặc những câu chuyện rất bình thường như Đêm nay anh ở đâu, gắn liền kỷ niệm của tôi với vợ chồng nghệ sĩ Vũ Dậu…
Đêm nhạc của ông có sự tham gia của những giọng ca gạo cội như nghệ sĩ Quang Thọ, Doãn Tần, Hoàng Chè, Quang Lý, Dương Minh Đức, Măng Thị Hội, Trọng Tấn, Anh Thơ… |
- Những ca khúc ông viết nhạc và lời luôn được ca ngợi về mặt ca từ bởi sự trau chuốt và ý nghĩa nhưng ông lại lựa chọn phổ nhạc cho thơ nhiều hơn. Vì sao vậy?
- Nếu các bạn chịu khó nghiên cứu nền âm nhạc thế giới sẽ thấy một điều rằng, các ca khúc nổi tiếng từ thế kỷ trước đa số phổ nhạc từ thơ. Chuyện phổ nhạc cho thơ khá phổ biến. Nhưng cũng phải nói rằng, đó không phải chuyện dễ, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa ca từ và giai điệu, phù hợp với đặc thù âm nhạc của từng vùng miền.
Tôi vẫn luôn nói rằng, các nhà thơ hơn nhạc sĩ một bậc trong việc viết lời. Những ca khúc do tôi viết lời như Đoàn giải phóng quân hay Những ánh sao đêm được ca ngợi chẳng qua trước đó chưa có bài thơ nào viết về nội dung này.
- Trong số những bài hát ông từng phổ nhạc, bài hát nào ông cảm thấy đã đến gần nhất tâm tư của các nhà thơ?
- Xuân Quỳnh là tác giả mà tôi tâm đắc nhất. Thơ Xuân Quỳnh giản dị, mộc mạc và rất dễ hiểu. Tôi và Xuân Quỳnh biết nhau khi ở cùng một chung cư. Lúc đó, Xuân Quỳnh làm dâu gia đình một người bạn của tôi là ông Lưu Quang Tuấn. Tôi vốn hiểu rõ những khó khăn của đôi vợ chồng trẻ, và đồng cảm với họ. Lưu Quang Vũ vốn là người “bay bướm” nên tâm trạng của Xuân Quỳnh rất buồn và nặng nề. Đó cũng là lý do Xuân Quỳnh có nhiều bài thơ tình rất hay, trong đó có bài Thuyền và biển được tôi phổ nhạc.
Cũng khó có thể nói ca khúc nào thể hiện gần nhất tâm tư của nhà thơ hay khán giả yêu thích nhất. Nhưng tôi nghĩ các tác phẩm của mình đã đạt đến đỉnh điểm của hiệu quả lay động cảm xúc người nghe. Tôi vốn chỉ phổ nhạc những bài thơ mà tôi thấy rung động.
Đêm nhạc có ý nghĩa rất lớn với cuộc đời sáng tác của Phan Huỳnh Điểu. |
- Một người phong lưu và hóm hỉnh như ông hẳn không thiếu những bóng hồng đi qua trong cuộc đời. Họ ảnh hưởng ra sao đến sáng tác của ông?
- Nghệ sĩ mà không có bóng hồng thì đó là điều vô lý. Mặc dù chỉ là những tình cảm thoáng qua, nhưng nó ảnh hưởng đến tôi không nhỏ. Trong cái thoáng qua đó, có những hương thơm đọng lại, lay lắt trong tâm hồn mỗi người và gợi ra cảm xúc, làm phong phú cho tâm hồn nghệ sĩ.
Tôi nghĩ, không có những điều đó, người nhạc sĩ có thể không bao giờ viết nhạc được. Nếu khô khan, khi viết nhạc người nhạc sĩ chỉ viết theo bản năng và phải cố tạo ra tình cảm giả tạo, điều đó rất khó khăn.
Đơn cử, từ năm 1959, tôi đã cố phổ nhạc bài Bóng cây Kơnia nhưng không hài lòng. Cho đến khi tôi ở chiến trường Tây Nguyên 6 năm, với biết bao nhiêu tình cảm gắn bó, năm 1972, tôi đã phổ nhạc thành công ca khúc này. Thậm chí, tôi còn viết không kịp dòng cảm xúc của mình.
Thỉnh thoảng sang chơi tại Hội nhạc sĩ, anh em thường nói đùa, bí quyết nào khiến Phan Huỳnh Điểu trẻ lâu vậy, tôi cũng nói đùa rằng: “Ông cứ có bồ đi”.
- Ở tuổi 85, ông tiếp tục công việc sáng tác thế nào khi người ta vẫn có câu: “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”?
- Tất nhiên là tôi vẫn sáng tác. Năm 2008, mặc dù không có ý định dự thi, nhưng một ca khúc mới có tên gọi Tình yêu của mẹ của tôi đã được giải nhất trong cuộc thi sáng tác ở Hà Tĩnh.
Ca khúc này được tôi phổ nhạc từ bài thơ Tình yêu của mẹ của nhà thơ Hồng Ánh sau khi đi thăm quan Hà Tĩnh và nơi an nghỉ của 10 cô gái Đồng Lộc. Đứng trước ngôi mộ của 10 cô gái, tôi đã thực sự xúc động và viết ca khúc này ngay sau đó. Giải thưởng nhận được từ cuộc thi này tôi đã gửi lại để thắp nhang cho 10 cô gái bất tử này.
Nếu còn sức khỏe, tôi vẫn viết bình thường dù ở tuổi nào. Các sáng tác của tôi lúc này vẫn giữ được màu sắc của âm nhạc Phan Huỳnh Điểu trước đó.
Gần đây, tôi cũng vừa phổ xong một bài thơ của Chính Hữu có tựa đề Gió. Ca khúc khắc họa một tình yêu sâu lắng nhưng rất nhẹ nhàng, vốn là điểm đặc trưng trong các sáng tác của tôi.
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Khả Lục