Pham Mi Ly
Tối 18/9, cây bút quen thuộc với tuổi trẻ và tuổi mới lớn tham dự buổi giao lưu giữa các tác giả của NXB Kim Đồng và bạn đọc tại Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ 3, bên cạnh nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Dương Thụy. "Tên là Hồn Nhiên mà sao khuôn mặt đầy trầm tư", nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét về chị.
"Tên là Hồn Nhiên mà sao khuôn mặt đầy trầm tư". |
- Tại sao chị chọn viết cho hai đối tượng người trẻ và cho tuổi mới lớn?
- Để có những trang viết khiến độc giả chấp nhận, hẳn người viết nên viết về đối tượng mà mình hiểu rõ nhất. Có lẽ vì vậy mà tôi chọn viết về hai đối tượng trên. Mặt khác, thế giới xung quanh và bên trong người trẻ có quá nhiều đề tài để khai thác. Chẳng hạn một khả năng chỉ giới trẻ có là không ngừng hy vọng, sẵn sàng thử sức và can đảm thay đổi - thay đổi theo chiều hướng tích cực và cả... tiêu cực! Giới trẻ có khả năng sống hết mình trong từng khoảnh khắc, có thể chấp nhận thất bại và đứng lên từ thất bại. Đặc điểm này của giới trẻ vừa hấp dẫn, vừa thử thách khả năng nắm bắt của người sáng tác. Mặt khác, là người viết, có điều kiện đi cùng cùng người trẻ, suy nghĩ và phân tích thế giới bên trong của họ cũng là cách để chính tôi dày dặn hơn về nhận thức.
- Sự khác nhau giữa người trẻ ở các thế hệ 7x (thế hệ của Phan Hồn Nhiên) và 8x, 9x?
- Sự phân chia các thế hệ theo cách trên có lẽ chỉ bao hàm ý nghĩa bối cảnh xã hội vào thời điểm người trẻ lớn lên hơn là thế giới bên trong của họ. Dù ở thế hệ nào, tôi luôn tin rằng người trẻ cũng đầy khát khao học hỏi, vượt lên không phải so với cộng đồng mà quan trọng là vượt lên so với chính mình của ngày hôm qua. Tất nhiên, càng về sau này, điều kiện xã hội càng cởi mở hơn, chất lượng sống của các bạn - nhất là ở các đô thị lớn - càng cao hơn, cơ hội học hỏi rộng rãi và dễ dàng hơn. Chính vì vậy, các bạn thay đổi nhanh, trưởng thành và chững chạc sớm hơn.
Thế hệ 7x chúng tôi thời sinh viên cũng có rất nhiều khát khao, nhất là khát khao học tập. Tuy vậy, những gì chúng tôi đạt được cũng chỉ dừng ở một mức độ nhất định, không thể thuận lợi như bây giờ. Nhưng chính vì khó khăn, các nỗ lực của ngày ấy thật đáng giá và đáng nhớ.
![]() |
Phan Hồn Nhiên luôn sẵn sàng đón nhận thay đổi giống như các nhân vật trong sách của chị. |
Khi viết về giới trẻ trong thế hệ mình, tôi lấy cảm hứng từ người bạn thân Dương Thụy rất nhiều. Tôi gặp Dương Thụy vào năm 1997, lúc đó cô ấy đang là sinh viên ngoại ngữ của Đại học Tổng hợp. Chúng tôi in quyển sách đầu tiên cùng nhau, ở NXB Kim Đồng. Thời sinh viên, Dương Thụy rất đặc biệt. Không giống những người bạn khác là mong học xong có việc làm ở công ty nước ngoài, lương cao, tìm kiếm một đời sống yên ổn, Dương Thụy muốn sau khi ra trường phải học cao hơn, không chỉ học ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài, có cơ hội thử sức ở những môi trường xa lạ và khó khăn. Thế hệ chúng tôi lúc ấy có Hoàng Dạ Thi, Châu Giang thường tò mò kinh ngạc và tự hỏi liệu Dương Thụy có thực hiện được mơ ước xa vời và mệt nhọc đó hay không. Thế nhưng cô ấy đã làm được. Và con đường Dương Thụy đi sau này rất nhiều bạn trẻ đi theo, thật tự nhiên. Có lẽ đó chính là lý do sâu xa khiến những trang viết của một nhà văn như Dương Thụy được thế hệ độc giả 8x, 9x yêu mến đến thế.
- Cuộc sống thường ngày của Phan Hồn Nhiên ra sao?
- Công việc hiện tại chính của tôi là tổ chức bài vở và biên tập phần nội dung cho tờ Sinh Viên Việt Nam. Bận rộn nhưng công việc thực sự hứng thú vì hàng ngày tôi được làm việc với các bạn phóng viên và cộng tác viên là những người trẻ năng động, sắc bén và thông minh, đặc biệt là những bạn sinh viên có nhiều ý tưởng mới lạ. Cũng nhờ làm báo, tôi có điều kiện gắn bó với đời sống giới trẻ, quan sát và nắm bắt những xu hướng mới, luôn phải tìm câu trả lời cho những thay đổi mỗi ngày ấy.
- Chị sắp xếp công việc viết như thế nào?
- 8 giờ công sở tôi tập trung hoàn toàn cho bài vở và công tác biên tập. Tôi chỉ có thời gian viết vào buổi tối cùng các ngày nghỉ. Tôi hiểu mình khao khát trở thành người viết như thế nào nên tập thói quen viết thường xuyên, đều đặn. Dù không phải tất cả những gì viết ra đều xuất bản, tôi vẫn xem việc viết mỗi ngày như một khâu không thể thiếu và tôi kiểm soát chặt chẽ quá trình rèn luyện này.
![]() |
Phan Hồn Nhiên trong một chuyến đi Đà Lạt. |
- Tác phẩm tâm đắc của chị?
- Với đối tượng thứ nhất, những người trẻ đô thị trưởng thành, tôi chọn tập truyện ngắn Cánh trái. Với đối tượng thứ hai - tuổi mới lớn, tôi chọn tập Người mưa.
- Chị tâm đắc nhân vật trẻ tuổi nào trong tác phẩm của chị?
- Nhân vật tôi hài lòng nhất cho đến thời điểm này có lẽ là Huy trong The Joker - một người trẻ với những giấc mơ tan vỡ, cô độc nhưng không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp.
Tuy nhiên, để có thể mỉm cười khi nhớ lại, thì tôi lại thích hai nhân vật Lim và Hoàng Anh trong truyện dài Công ty. Hai cô gái này tiêu biểu cho hai hình ảnh có vẻ đối lập của người trẻ. Như Hoàng Anh chẳng hạn, cô ta không phải người xấu, chỉ là một người muốn đi nhanh. Để đạt được điều đó, cô tự nguyện đánh đổi. Cô ấy luôn tin rằng mình là kẻ chủ động trong cuộc đi săn, mà không thể ngờ mình lại là con mồi của chính tham vọng tăm tối. Còn nhân vật Lim thì trong sáng và vô tư lự. Nhưng rõ ràng, sự trong sáng không thể nào tồn tại được mãi trong cuộc sống phức tạp này. Thế nên Lim cũng phải thay đổi, tự khám phá để nhận biết bản chất thật của cuộc sống. Tuy nhiên, điểm chung của hai nhân vật này, cũng như nhiều nhân vật trẻ khác trong trang viết của tôi, đó là mọi sự kiện xảy ra trong cuộc sống họ là do họ chủ động lựa chọn, chứ không phải do ai khác đẩy họ vào.
- Kế hoạch sáng tác sắp tới của chị?
- Trước mắt, tôi dự định không xuất bản trong vòng một năm. Tôi đang tập trung tìm một hướng khác, đủ sức hấp dẫn chính tôi. Vấn đề của tôi hiện nay là cần chọn hình thức thể hiện mới, để có thể sử dụng một số kỹ thuật mà tôi đã rèn luyện được.
Truyện dài "Công ty" của Phan Hồn Nhiên đã được dựng thành phim truyền hình "Phía cuối cầu vồng", đang phát sóng trên VTV3. |