Ngày 4/3, tại TP Phú Quốc, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia (1999-2019).
Phát biểu tại hội nghi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trên cơ sở Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia năm 1985, từ năm 1986-1988, Việt Nam và Campuchia hoàn thành phân giới, cắm mốc khoảng 200 km đường biên giới và cắm 72 cột mốc. Tuy nhiên, đầu năm 1989, vì một số lý do kỹ thuật cũng như tình hình chính trị nội bộ của Campuchia nên nước bạn đề nghị tạm dừng.
Từ năm 1999, tình hình chính trị ở Campuchia ổn định, theo thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đàm phán biên giới trên đất liền hai nước được nối lại. Ngày 10/10/2005, hai bên ký hiệp ước bổ sung hiệp ước năm 1985. Sau đó, Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Đến tháng 9/2019, qua 20 năm thực hiện công tác phân giới cắm mốc, hai nước đã xây dựng được 315 cột mốc chính, 1.511 cột mốc phụ và 221 cọc dấu, phân giới được hơn 1.044 km trên thực địa, đạt khoảng 84%, được thể hiện trên bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia.
Ngay sau đó, thủ tướng hai nước tiếp tục ký hai văn kiện ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc đạt được, gồm: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới Quốc gia năm 1985, Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia, cho biết kết quả đạt được rất quan trọng, mang tính chất lịch sử. Đó là hình thành đường biên giới hết sức rõ ràng giữa Việt Nam - Campuchia, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc quản lý biên giới, bảo đảm an ninh trật tự trị an khu vực biên giới hai nước.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, từ kết quả này, người dân biên giới có điều kiện tăng cường trao đổi, giao lưu, thông thương hàng hoá, góp phần xây dựng, duy trì đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định, biên giới lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là điều thiêng liêng. Việc hoàn thành 84% phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia là dấu mốc quan trọng, thành quả rất lớn.
"Chúng ta đã có chủ trương tiếp tục và thống nhất với lãnh đạo Campuchia là hai bên tiếp tục đàm phán, thoả thuận sớm hoàn thiện việc phân giới, cắm mốc 16% đường biên giới còn lại, theo phương châm dễ trước khó sau", Phó thủ tướng nói và đề nghị Bộ Ngoại giao cùng các bộ ngành, các địa phương liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia có điểm khởi đầu tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, điểm kết thúc là cột mốc giới số 314 (biên giới Kiên Giang với Kampot). Đường biên giới này thuộc phạm vi 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, có địa hình đa dạng như: rừng núi hiểm trở, phức tạp, đi lại khó khăn, bằng phẳng, dân cư đông đúc, đan xen phức tạp của người dân hai nước sinh sống, canh tác...
Cửu Long