Chiều 27/9 tại khách sạn Lotte, Hà Nội, diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam(VAMM) và Ủy ban an toàn giao thông(ATGT ) quốc gia về ATGT năm 2018. Bên cạnh đó, hội nghị công bố kết quả nghiên cứu vai trò của xe máy trong hiện tại và tương lai ở Việt Nam của TS. Vũ Anh Tuấn, thuộc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức.
Câu hỏi đặt ra trong nghiên cứu là, xe máy sẽ ở đâu trong bức tranh GTVT Việt Nam 2030 và những năm tiếp theo? Chủ trương cấm hẳn xe máy có tính khả thi không và nên ứng xử với giao thông xe máy như thế nào cho phù hợp với các điều kiện đặc thù của Việt Nam?
Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ về chính sách cấm xe máy vào năm 2030 ở hai thành phố lớn, qua khảo sát 1.203 người, có đến 31% người dân ở Hà Nội tin rằng lệnh cấm sẽ xảy ra, còn tại TP HCM chỉ khoảng 12%. Tính trung bình chỉ có 28% người dân tin sẽ có lệnh cấm xe máy vào 2030. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (TDSI) năm 2017 có đến 90% ủng hộ.
Lý giải cho sự chênh lệch, TS Vũ Anh Tuấn giải thích, cách tiếp cận của hai nghiên cứu là khác nhau nên cho ra kết quả khác nhau. TDSI khi hỏi ý kiến của người dân đưa ra giả thuyết năm 2030 với giao thông công cộng phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu con người nên đa số người dân ủng hộ cấm xe máy. Trong khi khảo sát của Tiến sĩ dựa trên tình hình giao thông thực tế nên kết quả trái ngược.
Nghiên cứu nhận định, từ nay đến 2030, xe máy sẽ tiếp tục giữ vai trò phương tiện đi lại chủ đạo trong tương lai, kết quả nghiên cứu nhận định một cách khách quan. Do đó, cần nâng cao an toàn giao thông cho người đi xe máy một cách toàn diện, hiệu quả trở lên vô cùng quan trọng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, xe máy cũng cần trang bị nhiều hơn tính năng an toàn như tự động vật đèn pha liên tục (AHO), phanh ABS, hệ thống kiểm soát cân bằng xe máy (MSC) và hệ thống thông tin liên giữa xe máy với ôtô.
Lương Dũng