Hôm nay, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hành động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa như quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa.
Những việc làm của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời phát ngôn viên.
"Chúng tôi yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông", ông Nghị tuyên bố.
Những con thuyền tượng trưng cho hải đội của những người lính Việt Nam từng ra Hoàng Sa và Trường Sa khai thác hải sản, cắm bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo từ nhiều thế kỷ trước. Hằng năm người dân huyện đảo Lý Sơn, Việt Nam tổ chức lễ tế những người lính này. Ảnh: Trí Tín |
Cùng ngày, trước việc Trung Quốc đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một huyện đảo của Thành phố Đà Nẵng, một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
"Việc Trung Quốc đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây bất bình đối với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng", ông Chiến cho biết.
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động phi pháp trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc tổ chức du lịch cũng như các hoạt động khác tại quần đảo Hoàng Sa".
Ánh Dương