Giới thiệu Nghị quyết 42 của Trung ương về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội tại hội nghị sáng 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Nghị quyết đề ra 37 nhóm mục tiêu, trong đó có việc bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng có mức sống từ trung bình khá trở lên.
Cụ thể, đời sống vật chất, tinh thần người có công, nhất là người ở vùng sâu, người gặp khó khăn trong cuộc sống sẽ được đặc biệt chăm lo. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi của họ sẽ được nâng lên, đồng thời với chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục - đào tạo, việc làm, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Trung ương giao các bộ, ngành, địa phương sớm giải quyết tồn đọng chính sách người có công, nhất là tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Theo lãnh đạo Chính phủ, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, số người có công và gia đình người có công ở Việt Nam rất lớn. Vừa qua, các bộ ngành đã cố gắng giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng cho người có công ở Lào, Campuchia. Đơn cử như qua các cuộc chiến tranh, hồ sơ của liệt sĩ mất hết, cơ quan, địa phương phải rà soát làm lại, đảm bảo không thiếu sót và tránh khiếu kiện.
"Có trường hợp hoạt động cách mạng bí mật, hồ sơ giấy tờ không công khai thì không thể đòi hỏi hồ sơ được, phải tiếp cận theo cách khác", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, người dân; chú trọng phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) bao phủ được toàn bộ lao động; nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế toàn dân.
"Cần tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu, sàn an sinh xã hội quốc gia; phát triển mạng lưới dịch vụ trợ giúp xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", ông nói.
Theo Thủ tướng, hệ thống giáo dục quốc dân sẽ được hoàn thiện theo hướng mở, tạo cơ hội học tập suốt đời và thúc đẩy xã hội hóa học tập. Hệ thống y tế cũng sẽ được xây dựng công bằng, chất lượng, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân; chú trọng phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Cùng với đó, Nhà nước cũng tập trung thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030; hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội; phát triển đa dạng các loại hình nhà ở và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận chế độ an sinh của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Độ bao phủ BHXH còn thấp; BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động; tình trạng rút BHXH một lần tăng. Nhà nước cũng thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, người dân ứng phó với các cú sốc trên diện rộng. Hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong ứng phó với dịch bệnh...
Tuy nhiên theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn. Các chính sách an sinh xã hội rất cần thiết nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Người cần hỗ trợ nhiều, địa bàn rộng, tính chất chính sách phức tạp nên "đòi hỏi triển khai bình tĩnh, không nóng vội, không thể giải quyết trong vài năm vì đây là vấn đề lâu dài".
"Nhà nước không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần", Thủ tướng nói, khẳng định việc xây dựng chính sách xã hội sẽ dựa trên cơ sở khoa học, hội nhập quốc tế, phù hợp thực tiễn, lấy con người làm trung tâm, đảm bảo an sinh xã hội là quyền cơ bản của công dân.
Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan tổ chức trong một ngày 4/12, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.