Ô nhiễm không khí từ lâu đã trở thành thảm họa ở Trung Quốc, khiến hơn một triệu người chết vào năm 2010. Bắc Kinh nằm trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Với nền kinh tế thiên về phát triển công nghiệp của Trung Quốc hiện nay, đây là kết quả không gây ngạc nhiên.
Tuy nhiên, một thủ phạm giấu mặt góp phần không nhỏ vào tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc là phân bón chứa nitơ sử dụng trong nông nghiệp. Loại phân bón này gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất, nước và không khí.
Theo Business Insider, Trung Quốc sở hữu 7 % đất trồng trọt trên Trái Đất nhưng sử dụng đến 35 % tổng số phân bón chứa nitơ trên toàn thế giới. Đây là khởi nguồn cho những hệ quả nghiêm trọng về môi trường. Dùng nitơ nhiều quá mức có thể giết chết cá và động vật biển, giảm năng suất cây trồng và làm nhiễm độc nguồn nước.
Một hậu quả chính mà phân bón chứa nitơ gây ra là ô nhiễm không khí. Khi oxit nitơ phản ứng trong không khí, nó kết hợp với chất ô nhiễm công nghiệp tạo thành sương mù dày đặc hay còn gọi là khói mù. Khói mù không chỉ dẫn đến những vấn đề sức khỏe như tiêu chảy mà còn thúc đẩy sự ấm lên toàn cầu.
Lúa gạo là thực phẩm chính tại Trung Quốc. Loài cây trồng này cần phân bón nitơ để phát triển hiệu quả. Một phần lớn lúa gạo của Trung Quốc được trồng ở các tỉnh phía bắc. Cấu tạo gene của lúa gạo tại đây khiến loài cây khó hấp thụ hợp chất nitơ trong đất. Do đó, nông dân thường sử dụng phân bón chứa nitơ để bổ sung nguồn chất dinh dưỡng quan trọng cho cây.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Trung Quốc đã nhân bản một loại gene từ cây lúa Ấn Độ và đưa nó vào cây bản xứ giữa năm nay. Loại gene này giúp cải thiện khả năng hấp thụ hợp chất nitơ trong đất của cây lúa, giúp sản lượng giữ nguyên trong khi lượng phân bón cần dùng giảm một nửa. Nhờ cắt giảm lượng phân bón, khói mù do nitơ có thể sẽ giảm theo, góp phần hạ thấp những nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí.
Phương Hoa