Quá trình này tận dụng kẽm và manga có trong pin cũ - chủ yếu được lấy từ đồ chơi trẻ em và điều khiển TV từ xa - để trộn với phân bón thông thường. Theo tuyên bố từ Lithium Australia, công ty mẹ của Envirostream Australia, dự án này là "cơ hội để giảm thiểu ô nhiễm rác và lượng khí thải carbon trong ngành công nghiệp pin, đồng thời cải thiện sản xuất thực phẩm toàn cầu".
Việc bổ sung hai vi chất đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong thử nghiệm trồng cây lúa mỳ trong nhà kính vào năm 2019. Envirostream Australia mới đây cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm loại phân bón mới tại các trang trại ngũ cốc bên ngoài thị trấn Kojonup ở phía tây Australia. Đây là khu vực sản xuất ngũ cốc quan trọng, tuy nhiên, đất trồng được đánh giá là có độ pH thấp, thiếu kẽm, mangan và phốt phát.
Tại Australia, khoảng 158 triệu pin năng lượng được bán ra thị trường mỗi năm, trong số có tới 97% bị thải ra các bãi chôn lấp sau khi sử dụng, theo Hội đồng Quản lý Pin (BSC).
Nhóm nghiên cứu ban đầu tập trung vào việc tái chế pin kiềm nhưng sau đó nhận thấy có thể sử dụng hai thành phần hóa học chính của pin là kẽm và mangan dioxit để sản xuất phân bón trong một quá trình đơn giản hơn nhiều.
"Tái chế pin kiềm đã trở thành một vấn đề nan giải toàn cầu. Kế hoạch của chúng tôi về việc tận dụng các thành phần của pin cũ để sản xuất phân bón không chỉ thân thiện với môi trường mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính bền vững của pin năng lượng dùng một lần", Giám đốc Lithium Australia Adrian Griffin nhấn mạnh.
Ngoài các thử nghiệm thực địa trong nước, công ty có kế hoạch mở rộng quy mô thử nghiệm tới các khu vực bên ngoài Australia trong thời gian tới, nhằm tìm kiếm đối tác để nâng cao hiệu quả của dự án.
Đoàn Dương (Theo MNS/Eco Voice)