Bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam năm nay phân bổ ở 15 ngành nghề kinh doanh, trong đó có hai doanh nghiệp trong lĩnh vực phân bón và hóa chất. Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau, HOSE: DCM) là doanh nghiệp duy nhất thuộc lĩnh vực này, lần đầu xuất hiện trong danh sách.
Cùng với các doanh nghiệp khác, Phân bón Dầu khí Cà Mau phải vượt qua hai vòng sàng lọc khắt khe. Công ty này đáp ứng tiêu chí ở vòng đánh giá định lượng về tỷ lệ tăng trưởng kép doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ ROE, ROC, tăng trưởng EPS giai đoạn 5 năm gần nhất. Phân bón Dầu khí Cà Mau trải qua thêm vòng điều tra định tính của Forbes Việt Nam để đánh giá mức phát triển bền vững, theo các tiêu chí vị thế trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị, triển vọng phát triển ngành...
Đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, nhiều năm qua, công ty duy trì tăng trưởng bền vững, mang lại giá trị cho cổ đông và khách hàng. Dấu mốc 10 năm thành lập hồi 2020, công ty đạt doanh thu kỷ lục 7.700 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 716 tỷ đồng, tăng 40% so với kế hoạch và tăng 55% so với năm ngoái.
Phân bón Dầu khí Cà Mau theo đuổi triết lý kinh doanh đem đến những giải pháp dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp và cho bà con nông dân. Doanh nghiệp này đã liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm thân thiện môi trường, nghiên cứu sản phẩm mới cho cây trồng. Việc ứng phó điều kiện hạn mặn ở Tây Nam Bộ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Phân bón Cà Mau.
"Thời điểm này năm trước, công ty nỗ lực phát triển để hướng tới mục tiêu dẫn đầu, xác lập vị thế mới trên thị trường phân bón Việt Nam và đã thành công", đại diện Phân bón Dầu khí Cà Mau chia sẻ. Năm ngoái, tổng sản lượng sản xuất, kinh doanh vượt 1 triệu tấn, chiếm 10% thị phần nội địa. Tốc độ tiêu thụ sản phẩm bình quân hàng năm tăng 9,12%. Việc đưa nhà máy NPK Cà Mau vào hoạt động giúp tiềm năng tăng trưởng hứa hẹn lớn hơn. Công ty cũng chủ động mở rộng, tham gia sâu vào thị trường quốc tế, ưu tiên khu vực Đông Nam Á, Nam và Bắc Mỹ để giải quyết bài toán dư thừa nguồn cung trong nước.
"Năm nay công ty đặt mục tiêu giữ các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng hai chữ số và phát triển, hoàn thiện kênh phân phối phân bón để củng cố vị thế doanh nghiệp đầu ngành", đại diện doanh nghiệp nói. "Doanh thu hợp nhất được kỳ vọng tăng 12% lên 7.664 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 38% lên 662 tỷ đồng".
Theo báo cáo tài chính quý I/2021 của Phân bón Dầu khí Cà Mau, doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 161 tỷ đồng (tăng 61%) và 152 tỷ đồng (tăng 64%).
Đại diện tạp chí Forbes nhận định, hơn một năm chống chọi với đại dịch nhưng kết quả kinh doanh của 50 doanh nghiệp trong danh sách này vẫn cho thấy khả năng xoay trở, mạnh dạn đầu tư để tìm kiếm cơ hội giữa khó khăn. Hoạt động kinh doanh có nhiều xáo trộn nhưng các doanh nghiệp vẫn xác lập và duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Dữ liệu từ Forbes ghi nhận tổng doanh thu của 50 doanh nghiệp đạt 1,21 triệu tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 174.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 26% so với năm trước. Tổng vốn hoá đạt đến 145 tỷ USD, tương đương 3,36 triệu tỷ đồng và tăng 78% so với danh sách 2020.
Tuấn Vũ
Ảnh: Phân bón Dầu khí Cà Mau