Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, để đạt được kết quả trên, đơn vị đã thực hiện nhiều chiến lược hiệu quả trong các hoạt động: sản xuất kinh doanh, quản trị và phát triển bền vững. Cụ thể, PVCFC đã đẩy mạnh việc thâm nhập phân khúc NPK, tạo động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh trong bối thị trường phân Ure bão hòa.
Song song đó, công ty mở rộng thị trường NPK ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung, thông qua việc mua lại 100% vốn Nhà máy Phân bón Hàn Việt (KVF). Tới đầu tháng 4, đơn vị hoàn tất việc ký kết thỏa thuận M&A với Taekwang, tiến hành tái cấu trúc giúp KVF kinh doanh có lãi ngay sau đó.
"Thương vụ này giúp chúng tôi nâng công suất mảng NPK đạt 660.000 tấn một năm, cao hơn gấp đôi so với trước đây. Qua đó, góp phần giúp công ty phát triển năng lực phân phối khi tiếp quản kho bãi rộng, hệ thống đại lý kinh doanh mà KVF đã thiết lập", lãnh đạo đơn vị nói.
PVCFC cũng lên kế hoạch xây dựng Nhà máy NPK tại Bình Định. Trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp sẽ tận dụng đầu tư kho với sức chứa 30.000-40.000 tấn phân bón các loại để phân phối sản phẩm ở miền Trung.
Theo doanh nghiệp, dù mới gia nhập thị trường NPK 4 năm trở lại đây, nhưng sản lượng tiêu thụ NPK của đơn vị trong năm nay ước đạt 156.320 tấn.
Về bước tiến trong kinh doanh, trong năm PVCFC đã chính thức tiến vào thị trường "Nông nghiệp đô thị", với việc khai trương cửa hàng nông nghiệp đô thị đầu tiên tại TP HCM. Đồng thời, công ty cũng cho ra mắt bộ sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trồng trọt đa dạng, toàn diện. Qua đó, đơn vị giúp khách hàng dễ dàng tạo không gian sống xanh mát, gần gũi với thiên nhiên mà không tốn quá nhiều thời gian và chi phí.
Bộ sản phẩm PVCFC gồm: các dòng phân bón với thiết kế dung tích phù hợp với nhu cầu khách hàng đô thị; nhóm sản phẩm bảo vệ cây trồng gốc sinh học và vi sinh an toàn cho người sử dụng; nhóm phân bón vô cơ, hữu cơ/vi sinh cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây trồng phát triển khỏe mạnh.
Công ty cũng cung cấp các loại giá thể, hạt giống đa dạng; dụng cụ làm vườn, chăm sóc cây; giải pháp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với nhiều điều kiện trồng trọt cùng dịch vụ tư vấn kỹ thuật chuyên nghiệp.
Ngoài ra, PVCFC cũng cho ra mắt tính năng AI chẩn đoán sâu bệnh trên ứng dụng 2Nông, giúp bà con tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Hiện chức năng chẩn đoán có thể phát hiện 22 loại sâu bệnh hại trên 4 loại cây trồng từ cà phê, tiêu, sầu riêng đến lúa; phát hiện 8 triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên tiêu và cà phê.
Bên cạnh phát triển các sản phẩm, doanh nghiệp luôn chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, thúc đẩy doanh thu. Từ đầu năm nay, PVCFC đã tập trung nguồn lực để chuẩn bị lô hàng chất lượng cao, xuất khẩu sang Australia, New Zealand.
Ngay sau đó, lô hàng hơn 35.000 tấn của PVCFC tiếp tục được chuyển đến Mexico. Theo Phân bón Cà Mau tính đến nay, sản phẩm của Phân công ty đã phủ sóng khắp Việt Nam và có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới. Đây là những bước đi thể hiện nỗ lực kinh doanh xuất nhập khẩu của công ty.
Năm nay cũng là năm đánh dấu việc công ty chính thức hợp tác cùng nhiều đối tác uy tín trong và ngoài nước, để nâng cao công suất nhà máy, đa dạng nguồn cung phân bón với chất lượng cao. Cụ thể, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với Wuhuan Engineering Co,.Ltd - công ty Kỹ thuật hóa dầu lớn nhất Trung Quốc.
Thông qua hợp tác, hai đơn vị sẽ thực hiện ba nội dung chính: nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm; nghiên cứu nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau; hợp tác cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vận hành cho các dự án mới của Wuhuan.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng làm việc với loạt đối tác như Ameropa AG (Thụy Sỹ), công ty về kinh doanh phân bón; Sino - Agri Potash. nhà cung cấp phân Kali.
Để mở rộng mạng lưới phân phối phân bón ra toàn cầu, công ty ký kết hợp tác với Samsung C&T (Samsung) trong tháng 9. Theo thỏa thuận, Samsung sẽ xuất khẩu các sản phẩm do PVCFC sản xuất như NPK, Urê hạt đục ra thị trường quốc tế. Ngược lại, đơn vị sẽ nhập khẩu các loại phân bón như Urê, DAP, MOP và Amsul từ Samsung để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất và thương mại.
Đến tháng 11, Phân bón Cà Mau chính thức trở thành Nhà phân phối độc quyền AP 64 vàng, tự nhiên với Tập đoàn phân bón hóa chất Vân Thiên Hóa. Mục tiêu hợp tác của hai bên nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu với giá cạnh tranh, chất lượng cao, góp phần ổn định hoạt động sản xuất, canh tác cho bà con nông dân.
Những thương vụ hợp trên giúp công ty xuất khẩu được hơn 330.000 tấn phân bón các loại trong năm, giá trị xuất khẩu ước đạt 3.048 tỷ đồng.
Với những nỗ lực không ngừng, Phân bón Cà Mau đã được vinh danh với nhiều giải thưởng uy tín: Top 10 "Doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất", "Doanh nghiệp Báo cáo tin cậy cao nhất - Báo cáo phát triển bền vững, "Doanh nghiệp Quản trị công ty vượt trên tuân thủ", "Doanh nghiệp tiên phong và cam kết nâng cao Quản trị Công ty Việt Nam - VNCG50".
Bên cạnh đó còn có các giải thưởng: lần thứ 6 liên tiếp nhận vinh danh Thương hiệu Quốc gia, Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động, Top 10 Thương hiệu mạnh - Tăng trưởng xanh 2024, Doanh nghiệp vì cộng đồng...
Lãnh đạo công ty chia sẻ, thành quả này minh chứng cho sự nỗ lực của doanh nghiệp, khẳng định vai trò tiên phong trong việc nâng cao chất lượng công tác quản trị và phát triển bền vững.
Bên cạnh sản xuất kinh doanh, công ty thực hiện nhiều chiến lược hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Đơn cử như: phát triển hệ sinh thái nông nghiệp thông minh với các sản phẩm phân bón thân thiện với môi trường, nghiên cứu thu hồi CO2 từ dòng nhiên liệu tự nhiên và khói lò đốt trong các cụm công nghệ, nghiên cứu chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo...
Song song đó, Phân bón Cà Mau cũng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua các chương trình an sinh xã hội toàn diện, với ngân sách hàng năm dành cho lĩnh vực này lên đến gần 90 tỷ đồng. Công ty đã hỗ trợ bà con nông dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu giao thông nông thôn, nhà đại đoàn kết, bệnh viện, các công trình trường học và chương trình khuyến học cho trẻ em ở các vùng khó khăn...
Về kế hoạch trong năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.983 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 864 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 764 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức trên vốn điều lệ là 10%.
Theo kế hoạch Công ty mẹ, tổng doanh thu mục tiêu đạt 13.251 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 853 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 764 tỷ đồng.
PVCFC cũng dự kiến chi 771 tỷ đồng để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ba nhà máy của PVCFC sẽ hoạt động ổn định với mục tiêu sản xuất 910.000 tấn ure, 120.000 tấn đạm chức năng, 340.000 tấn NPK. Chỉ tiêu tiêu thụ ure ước đạt 759.000 tấn, đạm chức năng 120.000 tấn, NPK 340.000 tấn, phân bón tự doanh 280.000 tấn.
Về nhiệm vụ trong 5 năm, công ty cho biết sẽ hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2026-2030) và Chiến lược phát triển đến 2035, tầm nhìn đến năm 2050 trình PVN. Đơn vị cũng triển khai xây dựng mục tiêu phát triển bền vững – ESG, xây dựng các phương án nguồn khí dài hạn, phương án giá khí 2026-2030 cho Nhà máy Đạm Cà Mau sau năm 2027.
Tiếp theo đó công ty sẽ xây dựng Nhà máy thông minh Đạm Cà Mau, đẩy mạnh công tác đầu tư, quản trị danh mục đầu tư hiệu quả. Doanh nghiệp cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các dự án mới, phù hợp với ngành nghề kinh doanh, định hướng chiến lược để phát huy hiệu quả nguồn vốn chủ sở hữu, tạo động lực cho phát triển, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Hoàng Đan