Một tháng trở lại đây, iPhone 3G với thiết kế "sao nguyên bản chính" được rao bán rộng rãi ở Hà Nội, với tên gọi là iPhone Hong Kong, những sản phẩm này được đề giá từ 2,8 đến 3 triệu đồng.
Thiết kế của "hàng nhái" gần giống với iPhone 3G thật. Ảnh: Quốc Huy. |
iPhone 3G "nhái" được rao bán nhiều trên các trang rao vặt, các cửa hàng ở quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng. Một người bán hàng ở phố Lương Thế Vinh cho biết, model này là hàng Hong Kong và quảng cáo "tính năng và thiết kế giống hoàn toàn với hàng thật của Apple".
Các chủ hàng bán iPhone 3G "nhái" rất linh động trong việc bán hàng, từ việc tặng kèm, khuyến mãi thêm tai nghe Bluetooth, đến cả giao hàng tận nơi trong thành phố hoặc miễn phí ship hàng ở xa. Tại một cửa hàng trên phố Kim Liên - Hai Bà Trưng, trong ngày cuối tuần có khá nhiều khách đến xem chiếc di động này sau khi đọc quảng cáo trên mạng, anh Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa) thực sự bất ngờ với thiết kế máy, tuy nhiên, sau một lát dùng thử, anh quyết định không mua "vì tính năng chẳng có gì đặc biệt".
Nếu như cách đây vài tháng, iPhone "nhái" thường có một vài điểm khác ở thiết kế bên ngoài, thì hiện "hàng mới" dễ làm cho nhiều người lầm tưởng. Anh Duy Mạnh, một người dùng iPhone 3G tại quận Đống Đa chia sẻ, "biết là iPhone 'dởm', nhưng khi cầm cả hai trên tay, nếu là người ít tiếp xúc với iPhone, cũng khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng 'ăn' theo".
Mặt sau của iPhone "dởm" trong bóng và ghi các thông số như iPhone 3G. Ảnh: Quốc Huy. |
Trông bề ngoài là vậy, nhưng bật máy lên là biết được ngay đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái. Hàng "dởm" không có phiên bản màu trắng, máy bán ra vỏ đen, dòng chữ 16 GB bên ngoài. Một thay đổi nhỏ là mặt trước, màn hình hơi ngắn hơn nhưng khó nhận biết nếu không thường xuyên tiếp xúc với iPhone 3G thật. Vỏ nhựa phía sau được uốn cong, bóng lộn không khác gì iPhone thật.
Trên đỉnh máy, vẫn là khe cắm SIM phải tháo bằng kẹp, nút nguồn và giắc cắm tai nghe. Tuy nhiên, nếu như di động của Apple sử dụng giắc cắm chuẩn 3,5 mm thì model này là 2,5 mm. Cạnh trái của máy, có thêm nút reset, sau khi copy nhạc vào thẻ nhớ, nếu chưa thấy điện thoại nhận, người dùng phải bấm nút này và khởi động lại máy. Bên dưới, ngoài loa và cổng giao tiếp, hàng "dởm" có thêm hai ốc vít nhỏ. Khi vặn ra, tháo nắp phía sau, người dùng có thể tháo pin và thay thẻ nhớ 2 GB đi kèm, iPhone 3G hàng thật không thể tháo pin và không có khe cắm thẻ nhớ.
Tuy nhiên, dễ nhận ra hàng "rởm" khi sử dụng các tính năng trên máy. Ảnh: Quốc Huy. |
Trên màn hình, model này cũng bắt chước Apple trong việc trang trí các icon, tuy nhiên, tính năng của chúng thì hoàn toàn khác hẳn. Trong 4 icon bên dưới, iPhone 3G "nhái" không có trình duyệt Safari và Mail, thay vào đó là xem video và WAP (duyệt web qua GPRS). Máy có 3 trang chứa các biểu tưởng đi vào các chức năng chính. Tuy nhiên, khi đi vào lớp thứ hai dưới mỗi chức năng, iPhone 3G "dởm" hoàn toàn là tiếng Trung.
Màn hình cảm ứng sử dụng không mượt, giao diện chậm, camera 2 Megapixel chụp ảnh mờ, nhiều điểm đen. Nghe nhạc trên máy âm thanh lớn, nhưng khoảng một thời gian là bị rè. "Sử dụng một tháng, nhưng tôi vẫn chưa thử hết các chức năng, bởi tiếng Trung không biết, nên không 'mò' ra, sau khi vào lại phải quay ra màn hình chính", anh Nguyễn Văn Cường (Hoàn Kiếm - Hà Nội) mới sử dụng được một tháng cho biết.
Nếu như các model "hàng nhái" trước đây không có cảm ứng đa điểm, thì hiện máy bán trên thị trường đã cho phép dùng hai ngón tay, phóng to, thu nhỏ như iPhone thật, mặc dù không mượt mà bằng. Ngoài ra, máy không có kết nối Wi-Fi hay 3G mà chỉ sử dụng GPRS và Bluetooth.
Theo một người bán hàng qua mạng, iPhone 3G "dởm" có xuất xứ từ Trung Quốc, theo đường tiểu ngạch từ biên giới phía Bắc về, "máy bán khá chạy vì nhiều người thích kiểu dáng, phong cách thời trang 'nhái' điện thoại Apple".
Huy Nguyễn