Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng 6/3, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, hiện có 54 tỉnh, thành và 17 bộ có báo cáo sơ bộ về việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Hiến pháp. Việc lấy ý kiến diễn ra nghiêm túc, công khai, dân chủ.
Tuy nhiên, việc này cũng gặp một số khó khăn mà nổi bật nhất là thời gian tổ chức tương đối gấp (bắt đầu từ tháng 1 và chỉ kéo dài 3 tháng, trùng với thời điểm các bộ ngành địa phương tập trung triển khai cho công tác năm 2013 do vậy khó bố trí nhân lực. Ngoài ra, đầu năm còn trùng Tết Nguyên đán, mùa lễ hội khắp cả nước nên đã hạn chế không nhỏ tới quá trình lấy ý kiến.
Đề cập tới khó khăn này, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo kế hoạch, chỉ còn 4 ngày để tỉnh kết thúc trong khi mới tiếp nhận được rất ít ý kiến từ cơ sở. Vị đại diện này đề nghị tăng cường tuyên truyền và kéo dài thời gian để người dân đóng góp.
Nhiều địa phương đã đề nghị tăng thời gian thu thập ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992. Ảnh: N.H. |
Là tỉnh rộng nhất nước với dân số đông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho hay, tới ngày 5/3, toàn bộ huyện thị của tỉnh đã báo cáo về việc lấy ý kiến người dân. Trong thời gian qua, tỉnh đã tổ chức trên 800 hội nghị và 5.000 buổi sinh hoạt ở xã với hàng nghìn ý kiến được tập hợp.
"Việc triển khai của tỉnh có chất lượng, ý kiến tâm huyết. Nhiều ý kiến tham gia vào điều 4 với nội dung làm cụ thể hơn về quy định Đảng lãnh đạo đất nước", ông Đường nói và kiến nghị gia hạn thời gian để thu thập thêm những góp ý sâu hơn.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, qua báo cáo sơ bộ, việc lấy ý kiến chủ yếu trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chứ chưa lan tỏa sâu rộng ở nông thôn. Ông Cường đồng ý với kiến nghị tăng thời gian và đề nghị thu thập ý kiến một cách có tổ chức sau mốc 31/3. Theo đó, tới tháng 11 (thời điểm Quốc hội dự kiến thông qua Hiến pháp) việc góp ý sẽ đi vào những vấn đề chuyên sâu của bản dự thảo Hiến pháp.
Ghi nhận các kiến nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, về cơ bản, quá trình lấy ý kiến đạt yêu cầu và thực sự là một sự kiện sinh hoạt chính trị trọng đại của cả nước, thu hút người dân trong và ngoài nước. Phó thủ tướng yêu cầu, thời gian tới việc tổng hợp báo cáo cần bám vào dự thảo hiến pháp. Báo cáo cần tập hợp đầy đủ, khách quan nhưng cũng phải thể hiện rõ quan điểm, không mơ hồ, chung chung trước những vấn đề phức tạp còn ý kiến khác nhau, nhất là những kiến nghị sai lệch với quan điểm, đường lối Đảng.
"Ví dụ như đa nguyên chính trị, đa đảng, xóa bỏ điều 4, đòi phi chính trị hóa quân đội, tư nhân hóa đất đai. Những vấn đề đó rất nhạy cảm nên cần bày tỏ rõ quan điểm", ông Phúc nói và yêu cầu, các cơ quan tổng hợp phải có cơ sở lý luận để phản bác lại các ý kiến sai lệch với đường lối lãnh đạo của Đảng. Không để lợi dụng việc góp ý làm sai lệch quan điểm đường lối của Đảng.
Về thời gian góp ý, theo Phó thủ tướng, bản Hiến pháp dự kiến thông qua và cuối năm 2013 nên ngoài việc đảm bảo tiến độ các bộ, ngành, địa phương phải duy trì tiếp nhận ý kiến nhân dân cho tới khi Hiến pháp thông qua. "Có ý kiến hay, tốt nguyên vọng chính đáng của nhân dân thì cần tiếp thu để hoàn thiện trong Hiến pháp", ông nói.
Nguyễn Hưng