Nguyễn Hữu Hồng Minh -
Trong những nhà thơ trẻ cùng thế hệ mình, người khiến tôi tò mò nhất là Phạm Tường Vân. Tò mò vì chưa biết người, chưa được đọc nhiều thơ,... mà chỉ nghe loáng thoáng giai thoại. Có lẽ Phạm Tường Vân đã nổi tiếng từ khi thực hiện cuộc phỏng vấn nhà thơ Trần Mạnh Hảo "Tôi muốn làm một anh phải gió trong phê bình" đăng trên tạp chí Cửa Việt cách đây gần mười năm khi ông này chuyển từ địa hạt thơ sang luận chiến phê bình, đại náo các diễn đàn văn học. Thế nhưng sau đó cô lặng tiếng, không thấy xuất hiện ở đâu nữa. Gần đây, vì công việc, tôi lại có dịp gặp Phạm Tường Vân ở Sài Gòn. Vân không muốn nói gì về thơ trong khi tôi không biết nói gì khác ngoài thơ. Sau đây là những thông tin ít ỏi tôi thu nhận được để có thể giới thiệu với độc giả eVăn:
Phạm Tường Vân sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Có thời gian theo học khóa V trường viết văn Nguyễn Du. Cô đã cùng Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Sơn Minh, Lã Thanh Tùng, Dạ Thảo Phương lập nên nhóm thơ Hoa Lạ khá nổi tiếng trong sinh viên Hà Nội. Giải thưởng thơ mà Vân thích nhất là giải Thanh Xuân (cô đoạt giải này cùng Nguyễn Quyến năm 1993), tên một giải thơ "nặng ký" do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và một nhóm bạn cùng chí hướng cách tân thơ với ông sáng lập. Hiện nay Phạm Tường Vân đang phụ trách biên tập tạp chí Saigon City Life. |
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Chị nghĩ thế nào về thơ trẻ hôm nay... Liệu có gì dự báo rằng trong tương lai, thơ trẻ sẽ có một dung mạo khác hẳn?
Phạm Tường Vân: Thơ trẻ, có phải bạn đang nói về những cây bút mới xuất hiện như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Vương Huy, Phương Lan...? Tôi kỳ vọng ở họ! Thế giới chúng ta sống đang đầy ắp biến động, và cơ hội thì chia đều cho tất cả mọi người. Đây là thời điểm tuyệt vời đối với người viết. Nếu các cây bút đang sung sức này đủ nội lực để thẩm thấu tinh thần thời đại, biết ứng dụng công nghệ, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc bứt phá ngoạn mục.
- Với thơ nữ, thường thì vệt khởi đầu bao giờ cũng rất đậm nhưng sau đó lại mờ dần và có thể phụt tắt. Trong đầu tôi còn vang vọng những cái tên như Nhật Lệ, Chinh Lê, Lê Thu Thủy, Lê Viết Hoàng Mai...Nhưng cũng từ lâu, tôi không còn thấy thơ họ nữa. Còn chị, chị cũng rút sâu vào khoảng tối của im lặng?
- Phụt tắt ư? Có thể họ vẫn lấp lánh ở đâu đó mà chúng ta không thấy. Nếu các cây bút đó vẫn sống và tư duy như các thi sĩ thì không có gì để bi quan. Trường thơ khác trường thi nên không bao giờ sợ hết giờ. Nếu có thể so sánh thơ Việt đương đại như một đại lộ 8 làn xe chạy, có tàu lượn siêu tốc, có xe hơi (xe hoa?) đời mới..., thì có lẽ tôi đang đi bộ ở lề bên phải. Có nhiều lý do khác nhau nhưng ba trong số đó là vì tôi không thích tốc độ, tôi ngại va quệt với những nhóm đua xe và tôi không muốn phiền lòng vì nạn mãi lộ. Tôi tìm thấy nhiều điều lý thú ở vị trí quan sát mới của mình, ở những ngã rẽ nhỏ, khuất tầm nhìn.
- Ở vị trí quan sát ấy, chị làm gì? Liệu chị có nhìn thấy sự lóe sáng nào, hay những con đường mới nào của thơ?
- Bạn có tin vào 5 giác quan của mình không? Còn tôi thì tin rằng thế giới luôn tuyệt vời hơn những gì 5 giác quan mách bảo. Kể chuyện cho vui: 6 năm trước, tôi vẫn tin rằng mắt tôi rất tốt, nhưng sau khi đi bác sĩ nhãn khoa kê đơn cho tôi một cặp kính cận 2,75 đi-ốp, tôi thấy thế giới sâu và xa hơn tới 200 mét.
Tôi đang đi thật chậm, để có thể lắng nghe những âm thanh siêu nhỏ, định dạng những thứ chưa thành hình, thám hiểm những không gian sâu thẳm, một thế giới mà ở vùng dư sáng hoặc vì bận tâm lao về phía trước, tôi đã không thấy.
- Tôi tìm thấy chất liệu của Nhiếp ảnh và Hội họa hiện đại trong thơ chị.
- Cảm ơn nhận xét của bạn. Tôi giống như một miếng mút xốp thẩm thấu những gì cuộc sống mang lại cho mình. Khi ở vào trạng thái căng mọng, ứ tràn, tôi viết, vẽ, hay làm bất cứ điều gì để trở lại trạng thái khô kiệt, trống rỗng ban đầu, để rồi bắt đầu một cuộc thẩm thấu mới. Trong tương lai, tôi hy vọng bạn sẽ "tìm thấy" nhiều hơn.
Từ những thời kỳ niên thiếu của lịch sử thơ ca, cổ nhân đã đưa "thi trung hữu họa" như một thứ "chỉ tiêu" và khái niệm này đã làm tròn nhiệm vụ. Từ lâu, tôi bỏ ý định tìm kiếm "chất thơ" hay một thứ gì tương tự khi tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật để có một cái nhìn trong trắng hơn. Chẳng bao lâu, ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật sẽ biến mất. Tôi mong rằng chúng ta sớm cất đi những cái áo cũ để đưa ra những khái niệm mới, phù hợp với cơ thể mới của thơ và nghệ thuật nói chung.
-Thơ, trẻ thì giàu ước mơ mà già thì giàu hy vọng. Chị ở quãng nào trong giao phổ đó?
- Tôi thực sự bối rối trước câu hỏi này. Phụ nữ chúng tôi luôn làm mọi cách để cưỡng lại tuổi già. Là nhà thơ, tôi lại luôn nỗ lực để không bị gọi là thơ trẻ. Có lẽ khi trẻ, lưng vốn của tôi quá ít ước mơ, nên về già, thơ tôi chắc không nhiều hy vọng. Cảm ơn sự ưu ái của bạn.
Sài Gòn, 10/9/2004