- Nhắc đến Hà Nam, mọi người nghĩ ngay đến bóng đá nữ, chứ bóng đá nam thậm chí không có đội trẻ. Vậy, con đường nào đưa Tuấn Hải đến với bóng đá đỉnh cao?
- Thuở nhỏ, tôi thích đá bóng và thường chơi với các anh lớn hơn. Lúc đấy, tôi không biết các trung tâm đào tạo là gì. Mọi thứ đến khá tình cờ.
Năm 2008, trong một lần đi ăn đêm ở Hà Nội, chú tôi quen chủ quán trước làm tuyến trẻ cho đội nữ Hà Tây (nay là Hà Nội), rồi được giới thiệu tới Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội (nay thuộc quận Gia Lâm). Chú gọi về hỏi muốn tập bóng đá không, tôi nhanh nhảu đồng ý nhưng bố mẹ thì phản đối. Gia đình muốn tôi theo nghiệp học. Khi ấy, tôi đang là học sinh giỏi bốn năm liền. Nhà cũng không có ai theo thể thao.
Sau đó, tôi xin lên Hà Nội, giả vờ đi chơi nhưng thực chất là cùng chú sang "lò" Gia Lâm cho người ta xem chân cẳng. Lúc đó không phải đợt tuyển sinh, nhưng mấy hôm sau họ thông báo nhận. Khi bố mẹ lên đón về thì mọi sự đã rồi. Vốn ít nói, lúc ấy bố mẹ càng không biết thế nào nên chấp thuận.
- Hành trình với bóng đá của Tuấn Hải bắt đầu thế nào?
- Tôi tập ở trung tâm trong tuần, còn cuối tuần về quê. Tuần nào mẹ cũng đưa đón. Lúc đấy không có xe đi thẳng nên hai mẹ con bắt xe từ Phủ Lý lên bến xe Giáp Bát, rồi thêm một chuyến xe ôm sang Gia Lâm.
Ban đầu, lứa 1998 có mình tôi. Do lứa 1997 của anh Nguyễn Quang Hải đang đi đá giải U11 nên tôi phải tập với lứa 1995 có anh Phạm Đức Huy. Tôi bé tí nên các anh cũng quý nhưng không được vào tập ngay. Hôm đầu, thầy bảo tâng bóng mà tôi làm không được hai quả vì hồi xưa đá theo bản năng nên không quan tâm tâng bóng. Tập dần cũng quen nhanh, và làm ngon lành bài tâng 12 điểm chạm.
- Quá trình trưởng thành ở "lò" Gia Lâm để lại những ấn tượng gì cho Tuấn Hải?
- Đói và khổ. Cả đội khoảng 25 đứa ở trong phòng rộng chừng 100 mét vuông. Mùa hè thì nóng vì không có điều hòa, mùa đông thì lạnh vì không kín gió. Ăn uống cũng không có gì nhiều, đến cơm có khi không đủ nên hay đói. Mấy đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn phải ra ngoài mua thêm đồ ăn. Việc ghi sổ nợ là chuyện thường. Nhưng suy nghĩ của trẻ con không thấy như thế là khổ, chỉ đam mê đá bóng chứ không nghĩ nhiều như lúc lớn lên. Tôi nghĩ ở khổ như thế cũng rèn luyện được nhiều điều.
Ấn tượng khác là chọn lọc kinh khủng. Chúng tôi tập cùng nhau đến 16 tuổi thì trải qua đợt chọn cầu thủ tốt nhất của lò Gia Lâm và Trung tâm T&T để tạo thành một đội. Những người không được chọn học xong lớp 12 có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông thì nghỉ. Lứa 1998 của tôi bây giờ chỉ có ba người đá chuyên nghiệp, còn lại làm nghề khác.
- Bây giờ nhìn lại, theo Tuấn Hải, đâu là bước ngoặt giúp sự nghiệp của anh thăng tiến như hiện nay?
- Hồi nhỏ, bản tính của tôi là nghịch ngợm. Có đợt, cứ khoảng 22h, tôi đợi đội đi ngủ là trốn đi chơi điện tử đến 4h. Nếu không chơi đêm, sáng tôi lại trốn học đi chơi, cứ vậy kéo dài gần một năm. Một đợt khác là ở đội U13. Tôi nghịch quá nên bị thầy cắt chức đội trưởng rồi cấm tập một năm. Hồi ấy, hình phạt như thế tàn nhẫn lắm vì cứ chạy bên ngoài nhìn mọi người tập khó chịu vô cùng. Mấy tháng liền như vậy, đồng đội cũng xin thầy cho tôi tập trở lại. Còn lần khác tôi bị đuổi vì trốn đi chơi nhiều lại hay bắt nạt, rồi đánh đồng đội và các em nhỏ hơn. Tôi như đại ca của lứa 1998 trở về sau ở lò Gia Lâm. Các thầy thấy vậy thì họp lại rồi quyết định đuổi... Sau đó, mẹ lên Hà Nội bắt về. Học bạ cũng được rút xong xuôi.
Các thầy xa lánh, đồng đội cũng xa lánh. Tôi cô độc vì không ai nhận, trong đầu khi ấy chỉ muốn ở lại đá bóng thôi. Cuối cùng, thầy Nguyễn Trọng Hồng là Trưởng bộ môn bóng đá của Trung tâm đứng ra bảo lãnh, lấy danh dự xin cho tôi ở lại. Sau lần ấy, tôi sợ rồi thành ngoan, không vô kỷ luật nữa.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Ngã rẽ thứ hai mới thực sự làm thay đổi toàn bộ suy nghĩ về sự nghiệp của tôi. Đó là năm 2018, khi tôi cùng đồng đội liên hoan mừng HC vàng Đại hội TDTT toàn quốc cùng Hà Nội. Trên đường về, dù không uống để hôm sau cùng đồng đội vào Huế đá giải U21 Quốc gia, tôi vẫn gặp tai nạn xe máy.
Vào Huế, tôi được đưa đi chụp phim. Bác sĩ bảo nếu không mổ sẽ không đá được bóng nữa. Nghe đến đây tôi sợ, rùng mình vì chưa bao giờ bị chấn thương nặng như thế. May mắn là khi kiểm tra ở bệnh viện Việt Đức, bác sỹ nói chỉ cần bó bột. Trong lúc ấy, tôi vẫn tập để không bị teo cơ. Tôi được tháo bột sau 28 ngày.
- Chấn thương lần ấy giúp Tuấn Hải nhìn nhận lại bản thân thế nào?
- Tôi thấy may vì không phải mổ, may vì nó giúp mình tỉnh ngộ. Khi chấn thương, quan trọng nhất là tinh thần. Bạn càng thoải mái, suy nghĩ tích cực thì hồi phục càng nhanh. Ngược lại, cứ buồn chán thì càng lâu. Tôi cũng tự hỏi là mình đã nghiêm túc với nghề nghiệp chưa. Không có ai chỉ cho tập hồi phục nên tôi bắt đầu tự tìm hiểu về tập luyện và dinh dưỡng. Giờ mọi thứ thành thói quen rồi.
Tôi có tạng người dễ béo nên những lúc chấn thương không ăn uống theo chế độ thì phải tăng đến 80 kg. Giờ tôi không ăn nhậu nữa, chỉ uống khi có dịp đặc biệt như tổng kết giải đấu. Các loại nước ngọt cũng bỏ dù một thời nghiện. Từ khi thay đổi cũng được 5 năm, giờ tôi thấy khỏe hơn nhiều và vào thi đấu thanh thoát hơn.
- Cám dỗ luôn xuất hiện quanh giới cầu thủ, Tuấn Hải làm thế nào duy trì kỷ luật suốt 5 năm qua?
- Quan trọng bản thân có muốn hay không, có đủ bản lĩnh vượt qua hay không chứ cám dỗ ở đâu cũng có. Giờ tôi chỉ chưa kiểm soát được hoàn toàn giấc ngủ vì vẫn có lúc thức khuya. Tôi cũng không để ý mọi người nghĩ gì về mình mà quan trọng là bản thân tự tập luyện, thấy yếu chỗ nào bổ sung chỗ đấy.
Tôi cũng tâm niệm mỗi chuyện xảy đến sẽ có thêm một bài học. Tôi suy nghĩ theo hướng sẵn sàng đối mặt và tìm cách giải quyết mọi vấn đề, thay vì đắm chìm trong nỗi buồn. Tôi thường đi tập thêm cho quên hết. Quan điểm của tôi hôm nay kết thúc và hôm sau là ngày mới nên không bao giờ được ngủ quên trên chiến thắng, hay đắm chìm trong thất bại.
- Thay đổi về nhận thức giúp Hải đã có những thành công nhất định trong ba năm qua. Thế còn quá trình thay đổi kỹ năng thi đấu?
- Vị trí ban đầu của tôi là tiền vệ trung tâm, đá thiên về thể lực còn kỹ thuật chưa tốt. Xưa mình đá bản năng thế nào cũng được nhưng lớn lên phải đáp ứng, thích nghi theo chiến thuật.
Cuối năm 2015, tôi đá cho Hà Nội B ở giải hạng Ba. HLV Vũ Hồng Việt đẩy tôi lên đá hộ công. Sau đó, HLV Văn Sỹ Hùng nhìn thấy tố chất và bảo mẫu cầu thủ như tôi nên đá gần vòng cấm hơn. Hết giải, tôi ghi sáu bàn, nhiều nhất đội. Tôi vốn luôn muốn đá gần vòng cấm nhưng vị trí khác xa quá, làm tiền đạo thì được chủ động hơn.
- Vậy còn quá trình tích lũy kinh nghiệm ở các hạng đấu thấp cấp CLB?
- Tôi đá đủ các cấp độ, cho Hà Nội B tại hạng Ba, hạng Nhì, rồi lên hạng Nhất thì "chuyển khẩu" thành CLB Hà Tĩnh và chỉ mất một mùa để lên V-League. Lứa ấy có nền tảng rất tốt, đặc biệt là thể lực rất khỏe nên giờ tỏa đi các đội khác cũng vẫn được chơi. Tôi với HLV Phạm Minh Đức gắn bó lâu nên hiểu tính. Hồi trước, tôi cục cằn, dễ cáu nếu bản thân hay đồng đội làm không tốt. Bây giờ, tôi chín chắn hơn rồi cũng nhờ bị chú chửi nhiều.
Tập thể ấy chơi với nhau từ trẻ và vượt qua mọi cấp độ. Tôi tiếc vì không được chơi cùng nhau lâu hơn vì chúng tôi đạt đến độ hiểu nhau và đá không cần nói cũng biết chạy đến. Vì vậy, năm 2021, thật ra tôi chưa xác định về Hà Nội FC.
- Tại sao Tuấn Hải có suy nghĩ như vậy?
- Tôi có cơ hội đá cho Hà Nội FC từ năm 2018. Sau khi Hà Nội B lên hạng Nhất, một số cầu thủ được lên đội một tập và HLV Chu Đình Nghiêm muốn giữ tôi lại. Tôi xin được ở lại Hà Nội B đá hạng Nhất vì trên đội một khi ấy toàn ngôi sao, cạnh tranh kiểu gì.
Tôi muốn ở Hà Tĩnh đến năm 25 tuổi vì cho rằng khi ấy mới đủ chín chắn để thi đấu cho Hà Nội FC. Tôi vẫn nghĩ họ có nhiều cầu thủ giỏi quá nên tôi lo sẽ có ít cơ hội thi đấu, làm cản trở sự phát triển. Thế nhưng, Hà Tĩnh cũng không đầu tư nhiều và bỏ tiền giữ lại nên tôi chuyển đến Hà Nội từ mùa 2022.
- Lối chơi của Hà Nội FC giống như những gì tôi được học từ lứa trẻ. Tôi về đội đá quen luôn, may mắn có hết danh hiệu là V-League, Cup quốc gia, Siêu cup quốc gia. Giấc mơ sát cánh cũng những đàn anh mình ngưỡng mộ cũng thành hiện thực.
Lứa trẻ Hà Nội mỗi năm đều được lên tập với đội một một lần, để đội tuyển chọn cầu thủ. Hồi ấy, chúng tôi nhìn các anh lớn cảm thấy sợ. Bữa ăn bày mâm sáu người thì 10 cầu thủ trẻ ngồi chung một mâm, không dám ngồi cùng các anh. Còn ai dám ngồi thì chỉ cắm đầu ăn không ngẩng lên. Cầu thủ trẻ ra sân tập cùng các anh lớn rất thích, cảm giác được phát triển nhiều hơn.
- Cấp độ đội tuyển thì khác khi Tuấn Hải lỡ hẹn với giai đoạn thành công bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Anh nghĩ sao về quãng thời gian đó?
- Năm 2016, tôi vô địch U19 quốc gia và giành Vua phá lưới, nhưng bị loại ở đội tuyển dự vòng chung kết U19 châu Á. HLV Hoàng Anh Tuấn không nói lý do nhưng tôi nghĩ mình chưa đủ tốt. Ngoài ra, cách chơi của tôi thô ráp nên nếu không làm việc lâu thì nhiều HLV sẽ không thích. Sau khi bị loại, tôi tiếp tục vô địch U21 quốc gia và giành Vua phá lưới. Một năm sau, tôi tiếp tục không có tên ở đội tuyển dự FIFA U20 World Cup 2017. Tôi chạnh lòng nhưng cũng suy nghĩ bản thân chưa tốt nên phải cố gắng.
Tôi cũng mất nhiều thời gian mới được lên ĐTQG. Năm 2021, đội tuyển đá vòng loại hai World Cup 2022 ở UAE đúng đợt dịch Covid-19 nên những ai nằm trong kế hoạch thì được đi tiêm vaccine. Hà Tĩnh có mấy cầu thủ nhưng không có tôi. Tôi bị chú Đức mắng là "ông xem ông đá đấm thế nào mà đứa khác được lên còn ông ở nhà". Đến tháng 9/2021, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam triệu tập lên tuyển cho vòng loại ba, rồi có trận ra mắt vào sân từ ghế dự bị khi làm khách thua Oman 1-3.
Tiếc nuối nhất là AFF Cup 2020 đá tập trung ở Singapore. Tôi cùng đội đi tập huấn ở Vũng Tàu. Một tối sau khi ăn xong, tôi đang đi dạo với anh Lương Xuân Trường thì HLV Park Hang-seo gọi lên phòng nói chuyện riêng. Ông nói tôi cần cải thiện nhiều hơn nên về cố gắng tập luyện. Tôi hơi buồn vì bị loại.
- Sau giải đó, Tuấn Hải đã có vị trí ổn định ở đội tuyển. Anh cảm thấy thế nào?
- Ở trên sân, tôi là kiểu cực kỳ mạnh mẽ và máu lửa nhưng ở ngoài sân thì ít nói và lành. Vì vậy, mọi người cũng bất ngờ nếu lần đầu tiếp xúc. Tôi cảm nhận mình vẫn còn nhiều thiếu sót như thi đấu chưa ổn định từ đầu đến cuối trận. Ở bất kỳ nơi nào, tôi chưa bao giờ nghĩ mình chắc suất đá chính mà luôn thấy cố gắng thể hiện hết những gì mình có để HLV ghi nhận. HLV là người quyết định và tôi luôn nghe theo HLV dù đá ở bất kỳ vị trí nào.
- Sự khác biệt của anh với các tiền đạo Việt Nam khác là khả năng pressing hàng thủ đối phương. Đấy dường như là lợi thế rất lớn?
- Bóng đá ngày nay yêu cầu tất cả các vị trí phải phòng ngự theo một khối. Giờ không còn kiểu cầu thủ đứng chơi lúc tấn công hay phòng ngự và khi mất bóng thì tiền đạo phải phòng ngự đầu tiên. Tôi nghĩ ở chuyện này thái độ sẽ quyết định. Nhiều lúc bạn chỉ cần cố chạy một chút, đuổi theo tranh bóng một chút cũng giúp ích cho đồng đội. Như trận Hà Nội FC thua Wuhan Three Towns 1-2 ở sân khách, chúng tôi mất người từ sớm nên cả hiệp một chỉ chạy không bóng. Quan trọng là tinh thần không bỏ cuộc.
- Bóng đá Việt Nam đề cao tính tập thể và cái chung, nhưng cái tôi mới tạo nên sự khác biệt. Quan điểm của Tuấn Hải thế nào?
- Nó tùy tính cách mỗi người. Cái tôi của tôi là sẵn sàng xả thân, cháy hết mình trên sân. Tính tôi ngại xuất hiện trước báo giới, đám đông vì tôi không muốn mọi người để ý nhiều mà muốn âm thầm làm việc.
- Sau giai đoạn rất thành công cùng HLV Park Hang-seo, Việt Nam chuyển giao sang thời HLV Philippe Troussier. Anh cảm nhận được sự nghi ngờ dành cho đội tuyển về lối chơi, cách sắp xếp nhân sự hiện tại chứ?
- Giai đoạn này tất cả cầu thủ cần nhìn nhận lại bản thân. Tôi cho rằng HLV Troussier muốn thúc đẩy và phát triển cầu thủ nhiều hơn. Khi có sự cạnh tranh, mỗi cá nhân mới tiến đến một tầm cao khác, cả cầu thủ cũ lẫn mới. Chỉ có vậy bóng đá Việt Nam mới phát triển lên.
- Sự đoàn kết ở đội tuyển thì sao?
- Đoàn kết là sức mạnh lớn nhất của đội tuyển. Niềm tin của tôi là từ các anh lớn đến em trẻ đều rất đoàn kết, không có khoảng cách người này là ngôi sao, kia là lính mới. Cá nhân tôi rất thích được sống trong tập thể đoàn kết vì nó tạo ra nhiều sức mạnh để làm nên điều phi thường.
- Mục tiêu gần và xa của Tuấn Hải là gì?
- Trước mắt, tôi muốn nằm trong đội hình dự Asian Cup 2023. Xa hơn tôi muốn thi đấu đến năm 40 tuổi.
Một trong những kế hoạch phát triển bản thân của tôi là ra nước ngoài thi đấu. Khi đến Hà Nội, tôi đã đề ra mục tiêu và nỗ lực suốt ba năm qua. Tôi chỉ cần có cơ hội được đi và muốn hướng đến Nhật Bản. Tôi ra nước ngoài không phải để trải nghiệm mà xác định phải chiến đấu để ra sân thi đấu càng lâu càng tốt. Tôi phải bứt phá sau này nhìn lại không còn gì tiếc nuối.
Hiếu Lương