Việc này với tôi khá đơn giản. Chỉ cần có Internet, smart TV, laptop hoặc đôi khi điện thoại cùi cùi đã vỡ kính cường lực và một gói dịch vụ của bất cứ nền tảng cung cấp dịch vụ giải trí nào khác, tôi đã có thể xem đủ các phim mình thích. Đa dạng và chuyên nghiệp. Phim phân loại độ tuổi rành rọt, phụ đề chuẩn trend, không cắt gọt, không xoá mờ, không kiểm duyệt, chất lượng hình ảnh đẹp, âm thanh tiêu chuẩn. Điện ảnh thế giới bưng cuộc đời sống động từ mọi ngách nhỏ trên hành tinh, ghé thăm từng nhà, chào từng cụ già, em nhỏ hoặc các bạn thanh niên, trung niên đủ hết... chỉ bằng các click chuột thôi.
Không có gì về con người mà còn xa lạ với điện ảnh hôm nay.
Là một người làm phim, tôi chăm chỉ lao động và thỉnh thoảng mơ mộng ở Việt Nam ta, bao giờ cây táo điện ảnh nở hoa.
Nhưng đó là sự mơ mộng trước ngày 14/9, trước khi đọc được các ý kiến của đại biểu quốc hội về những điều cấm trong hoạt động phim ảnh quy định tại Điều 10 dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) mà báo chí trích đăng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh phát biểu rằng, sau khi phim Người phán xử được chiếu, tình hình các băng nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều và đặt câu hỏi, tại sao lại để ông trùm trong phim phán xử cả công an?
Người phán xử là một phim dài tập, chiếu miễn phí trên truyền hình, làm lại từ kịch bản mua của nước ngoài. Phim rất ăn khách. Giờ thì nó bị coi là lý do của việc gia tăng tội phạm. Và chưa hết, nó còn là lý do khiến nhiều người lo lắng và muốn siết chặt kiểm duyệt; dẫn đến đề xuất không lựa chọn giữa tự kiểm hay tiền kiểm nữa mà là cần có cả hai - một phương án thứ ba, nơi kiểm duyệt chỉ có thêm, không thể bớt.
Ban đầu, khi thấy báo đăng, thật lòng tôi nghĩ: có lẽ đó là một phát ngôn hơi hóm hoặc hơi... ngây thơ. Tôi nghĩ thế và dự định... kệ đi. Nhưng trong một giây khựng lại, tôi giật mình, nhỡ đâu những điều được nói ra là xuất phát từ một niềm tin thành thực, và những người lắng nghe, nhỡ đâu họ cũng gật đầu để rồi thành luật trong nay mai thì sao?
Tôi tự hỏi, liệu có phải mọi người thực sự nghiêm túc cho rằng nếu trên phim Việt Nam không có nhân vật phản diện nữa, thì giới trẻ sẽ chuyển hướng đọc sách và trồng rừng và tội phạm sẽ giảm đi, như một phép màu; còn phim của nước ngoài về đủ mọi đề tài trên không gian mạng - không phải chịu kiểm duyệt thì hoàn toàn không tác động gì đến khán giả Việt Nam. Tôi cũng tự hỏi, những vấn đề đang nhức nhối mà thời sự vẫn nhắc như tham nhũng, như tàn phá rừng đầu nguồn, thì nguyên nhân là do bộ phim nào.
Mà làm sao có thể do phim được?
Nếu nghệ thuật không dám đưa ra cảnh báo về những suy thoái đã, đang hoặc có thể xảy đến thì nghệ thuật chỉ dừng lại ở chức năng mua vui, giải trí. Nếu "không có vùng cấm" là phương châm hàng đầu của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực mà quốc gia đang theo đuổi, thì điện ảnh không thể đứng ngoài - vờ như không có, rồi phản ánh một thực tế khác đi được. Những người làm phim mong muốn nói thẳng những vấn đề nhức nhối hôm nay, đâu phải để kích động xã hội, biểu dương cái xấu mà để qua đó cảnh tỉnh con người, giúp họ nhìn rõ, đối mặt và đấu tranh với cái xấu, tin và bảo vệ phần thiện lương...
Muốn làm được thế, ngành điện ảnh chắc chắn cần được tạo không gian rộng rãi hơn để sáng tạo, chứ không phải thêm những vùng cấm không rõ ràng. Tôi e rằng, việc xác định thế nào là ‘phim cổ xúy vi phạm pháp luật' để làm căn cứ cấm, sẽ lại là một công việc của cảm tính. Nếu vẫn tồn tại những cấm đoán cảm tính, những cách thảo luật dựa trên suy đoán, duy ý chí thì nguy cơ sớm nhất xảy đến là nhà sản xuất trong nước sẽ khước từ làm phim về các đề tài này, để tránh rủi ro. Phim Việt Nam sẽ sợ hãi trước những suy diễn mông lung trong luật, sẽ né tránh để không bị hai lần kiểm duyệt... Không thể quàng thêm những chướng ngại để phim Việt Nam thua thiệt trong chính thị trường của chúng ta.
Hãy công bằng với những nhà làm phim trong nước, công bằng với điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam cần được tự do khai thác và khám phá các đề tài đa dạng và phong phú, thay vì đưa ra yêu cầu không được làm phim có chi tiết "mô tả chân thật về lối sống ích kỷ" hay "tội phạm không bị xử lý". Thực tế, chưa cấm thì các đồng nghiệp của tôi đã phải tự động đưa vào hình ảnh công an mặc đầy đủ đồng phục, lập chiến công ở đoạn kết; và bao giờ tội phạm cũng ngu ngốc, dễ dàng sa lưới pháp luật rồi...
Nhìn lên các hạ tầng OTT của nước ngoài, các web, các kênh phim quốc tế mà khán giả Việt đang sẵn sàng chi tiền ra để xem phim, chúng ta có kiểm duyệt được họ không; có cấm và có đòi họ cắt, hay sản xuất theo ý chúng ta được không?
Tôi nghĩ việc tìm cách siết chặt và tăng thêm các điều khoản cấm phim là một sự bất công với phim Việt, vốn đã khó khăn và thiệt thòi hơn rất nhiều so với phim nước ngoài đang được cung cấp thoải mái, không che, không cắt, không giới hạn đề tài.
Nếu không làm được gì để ủng hộ và đầu tư vào điện ảnh như một phần của ngành công nghiệp văn hoá - sáng tạo mà nhà nước có chủ trương phát triển mạnh mẽ thì tối thiểu là ứng xử với họ công bằng như đang làm với phim nước ngoài trên mọi nền tảng.
Nguyễn Hoàng Điệp