Luật sư Cù Huy Hà Vũ, con trai của nhà thơ Huy Cận - người gần gũi với Phạm Tiến Duật trong những ngày ông nằm bệnh, cho biết: “Vài ngày trước khi mất, nhà thơ rơi vào trạng thái hôn mê sâu, hơi thở yếu và thân nhiệt giảm dần”.
Tác giả Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây bị phát hiện ung thư phổi hồi tháng 7/2007. Trong những ngày ông nằm viện, người thân và đồng nghiệp đã hoàn tất phần 1 Tuyển tập Phạm Tiến Duật để nhà thơ kịp chứng kiến trước khi về với cát bụi. Sách ra mắt ngày 17/11, bạn bè mang sách vào tận giường bệnh, đọc cho nhà thơ nghe những vần thơ của chính ông.
![]() |
Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Chiều 18/11, O Nhị, cô gái Thạch Nhọn - nguyên mẫu trong bài thơ nổi tiếng Gửi em cô thanh niên xung phong của ông - đã được đón ra Hà Nội để gặp nhà thơ lần cuối. Trong cuộc gặp gỡ này, nhà thơ không nói gì được nữa. Ông chỉ có thể đáp lại người con gái thanh niên xung phong năm xưa bằng ánh mắt khép mở chấp chới và bàn tay nắm chặt.
Ngoài tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp, trong những ngày cuối đời, Phạm Tiến Duật đã nhận được Huân chương Lao động hạng Nhì dành cho những đóng góp to lớn của ông với thơ ca dân tộc. Tuyển tập Phạm Tiến Duật phần 1 (thơ và trường ca) cũng được trao Giải thưởng văn học 2007 của Trung tâm Văn hoá Doanh nhân.
![]() |
O Nhị - cô gái Thạch Nhọn (thứ hai từ trái sang) đến thăm nhà thơ. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội. |
Phạm Tiến Duật sinh ngày 14/1/1941 tại Thanh Ba, Phú Thọ, trong một gia đình có cha là nhà giáo còn mẹ làm ruộng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông nhập ngũ và chiến đấu hơn chục năm trời trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt. Hoà bình lập lại, nhà thơ trở về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Trước khi lâm trọng bệnh, ông là phó trưởng ban đối ngoại của Hội Nhà văn.
Những năm tháng chiến tranh để lại dấu ấn sâu đậm trong thơ Phạm Tiến Duật. Với những bài thơ nổi tiếng như Nhớ, Tiểu đội xe không kính, Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong..., Phạm Tiến Duật được coi là "ngọn lửa đèn" của một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông hồn nhiên, hóm hỉnh, giàu tính lạc quan với những phát hiện thú vị, đầy chất lính. Các tập thơ chính của Phạm Tiến Duật gồm có: Vầng trăng quầng lửa (1970); Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981), Nhóm lửa (1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997), Tuyển tập Phạm Tiến Duật (2007)...
Thơ Phạm Tiến Duật Nhớ Cái vết thương xoàng mà đi viện Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (trích) Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn Một dãy núi mà hai màu mây Trường Sơn Tây anh đi, thương em Bài thơ về tiểu đội xe không kính (trích) Không có kính không phải vì xe không có kính Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng Không có kính ừ thì có bụi |
Hà Linh
Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn về những vần thơ và con người thơ Phạm Tiến Duật.
Người gửi: Trần Quang Huy
Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe tin nhà thơ đã vĩnh viễn ra đi. Từ nay ông sẽ bắt đầu một hành trình mới ở một nơi xa lắm. Tôi là người may mắn đã được ông trao phần quà lưu niệm trong một buổi "Đêm thơ" tại trường quay S9 Đài Truyền hình VN, năm 2003. Tôi sẽ mãi nhớ hình ảnh của ông với nụ cười hiền từ khi ông bắt tay và nói: "Cậu khá đấy, gặp nhau sau nhé!". Từ sau lần ấy, tôi không được gặp ông nữa. Với lòng thành kính và ngưỡng mộ, xin gửi ông vần thơ tiễn biệt:
"Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây
Khúc hùng ca ngun ngút trời mây
Ông đi về miền Tây Phương cực lạc
Luận bàn cùng La Hán nơi đây"
Người gửi: Quách Liêu (Nhà văn)
Tôi vốn là cán bộ văn hoá quần chúng. "Căng kéo phông màn, đóng đinh leo thang, trang âm ánh sáng" cho các đêm văn nghệ là nghề của tôi. Tôi có nhiều kỷ niệm về những đêm diễn này. Tôi rất phục nhà thơ Phạm Tiến Duật, khi ông viết về đề tài trên:
"Nghe em hát mà anh buồn cười
Nhịp với phách xem chừng sai cả
Mồ hôi em lăn dài trên má
Anh với bạn bè nhìn nhau khen hay"
Ông cảm được linh hồn của đêm diễn, có cái nhìn vị tha, nâng niu, trân trọng với diễn viên nghiệp dư; và kể theo cái lối tinh nghịch của riêng ông, không lẫn vào đâu được...
Người gửi: Lê Trung Hiếu
Tôi vô cùng bất ngờ khi đọc tin nhà thơ Phạm Tiến Duật ra đi mãi mãi. Tôi xin vĩnh biệt nhà thơ của những vần thơ mà tôi yêu thích. Tôi sẽ nhớ mãi những câu thơ nghe rất hài hước nhưng thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương đất nước của ông.
Tôi xin chia buồn với gia đình nhà thơ và chúc ông mãi an nghỉ. Tôi tin rằng những sáng tác của ông sẽ mãi bay cao trong nền thơ ca Việt Nam.
Người gửi: Nguyễn Đăng Tiến
Cũng như nhiều độc giả yêu thơ, tôi cảm thấy rất bất ngờ và xót xa trước sự ra đi của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Từ ngày còn là học sinh, được đọc và suy ngẫm về những vần thơ của ông, tôi đã thấy thơ ông có chất gì đó rất thép, rất Trường Sơn, rất trẻ trung. Sau này lại được thấy ông xuất hiện trên truyền hình, được nghe ông đọc thơ, bình luận thơ...
Tôi xin gửi tới gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật, Hội Nhà văn Việt Nam cũng như những người yêu thơ và con người Phạm Tiến Duật lời chia buồn sâu sắc nhất!