Liveshow số 11 có sự góp mặt của cả những gương mặt quen như Tùng Dương, Tấn Minh, Vy Oanh, Artista... đến những người lần đầu tham gia như Thảo Trang, Pha Lê, Lynk Lee, Phạm Thu Hà. So với 11 bài hát được trình bày trong chương trình, Lụa của Phạm Thu Hà đứng thành một dòng riêng, độc đáo từ chất liệu tới cách thể hiện. Lụa được nhạc sĩ Quốc Bảo viết trên cảm hứng khi đọc "Silk" của nhà văn Alessandro Baricco, là sản phẩm đo ni đóng giày cho Phạm Thu Hà bởi cô sở hữu chất giọng nữ cao trữ tình (lirico soprano).
Nữ ca sĩ xuất hiện sang trọng trên sân khấu cùng dàn nhạc dây Rhapsody Philharmonic nhưng không tạo cảm giác kiểu cách, già dặn. Rhapsody Philharmonic chơi thể loại âm nhạc pha trộn giữa cổ điển, fusion, jazz, pop/rock hiện đại và thậm chí cả R&B, trẻ và rất táo bạo, trong khi Phạm Thu Hà với âm vực rộng, không chỉ hợp hát cổ điển mà còn thể hiện rất hay dòng nhạc nhẹ. Sự kết hợp của những người bạn trưởng thành từ Học viện Âm nhạc Quốc gia đã tạo nên thành công trong việc pop hóa một giọng ca bán cổ điển và thể hiện ra màu sắc âm nhạc nguyên thủy của Lụa là semi-classic.
Nhờ vậy, Lụa là ca khúc nhận được lời khen từ cả ba vị khách mời bình luận. Nhạc sĩ Anh Quân thích thú trước sự kết hợp nhuần nhị của cổ điển và đương đại. Nhạc sĩ Thanh Phương thừa nhận, Phạm Thu Hà mang tới cho anh ấn tượng mạnh mẽ nhất. "Một tác phẩm rất hoàn thiện, rất thành công. Chắc chắn đây là hiện tượng lý thú và phải làm sao để khán giả chấp nhận hiện tượng này. Bài hát cho thấy nhiều sức lao động, sự sáng tạo và tính tập thể trong âm nhạc khi ca sĩ kết hợp cùng dàn nhạc. Theo dòng nhạc này rất vất vả, gian truân và tôi muốn nhắc Phạm Thu Hà, trên đường dài không nên vội vã" - cây guitar nổi tiếng phân tích. Trong khi đó nhà báo Quỳnh Hương bày tỏ sự ngạc nhiên khi có rất nhiều cuộc thi âm nhạc nhưng Phạm Thu Hà vẫn kiên nhẫn giữ mình đến giờ. "Bài hát có sự hỗ trợ của dàn dây nên hiệu quả rất cao. Khi Hà hát không thấy sự gò bó, khô cứng của cổ điển, mà rất tự do, tươi tắn có chất bay của nhạc nhẹ. Mừng vì nhạc nhẹ được bổ sung những nhân tố này" - chị nhận xét. Ghi nhận tích cực từ các nhà chuyên môn là khích lệ lớn với một tên tuổi còn mới như Phạm Thu Hà.
Ấn tượng thứ hai thuộc về Tùng Dương khi anh thể hiện Chiếc khăn piêu trên bản phối của Nguyên Lê. Ngay khi ra đời năm 1956, ca khúc đã được NSƯT Trần Chất hát với cây accordion. Sau đó, NSND Quý Dương, danh ca Kiều Hưng cũng đã gắn tên tuổi của mình với ca khúc này. Về sau, nhiều ca sĩ nổi tiếng khác trình bày lại Chiếc khăn piêu như NSƯT Hoàng Chè, NSND Trung Đức. Gần đây, Anh Thơ tạo được thành công với ca khúc này nhờ chất giọng diễn cảm, hồn nhiên lại có sự sáng tạo riêng. Với phần hòa âm của nghệ sĩ nổi tiếng Nguyên Lê, Tùng Dương mang tới ấn tượng mới mẻ cho bài hát đã sinh ra hơn nửa thế kỷ. Bản phối vừa mang âm hưởng dân gian, vừa đậm tính đương đại của Nguyên Lê rất hợp với "tạng" của Tùng Dương. Chính nhạc sĩ Doãn Nho cũng nhận xét: "Mang phong cách world music trên nền dân ca cho thấy sự phát triển từ quá khứ tới hiện tại là điều rất tốt".
"Bản sao của Tùng Dương" - Nguyễn Đình Thanh Tâm cũng có sự xuất hiện ấn tượng với Giọng mưa đàn bà. Đây là một phần trình diễn có tiết tấu và thu hút người xem. Quán quân Sao Mai điểm hẹn 2012 có giọng hát ma mị, nhưng tương đối sắc bén trên sân khấu và dễ làm "mềm" tai khán giả cũng như tạo được nhiều hiệu ứng đa dạng. Từng thể hiện Giọng mưa đàn bà tại vòng chung kết Sao Mai điểm hẹn nhưng lần tái xuất này của Thanh Tâm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đem đến cảm giác ngấm hơn cho người nghe. Nhà báo Quỳnh Hương tỏ ra thích phần trình diễn của chàng kiến trúc sư. "Bài hát gần 40 năm nhưng nghe vẫn rất mới. Tôi từng nhiều lần nghe bài hát này. Bản của Đại Lâm Linh u ám, hỗn mang, cảm giác mạnh, khó nghe. Bài của Khánh Linh hát với đàn bầu day dứt và thân phận. Bản này Thanh Tâm làm tôi quên những ấn tượng trước" - chị chia sẻ. Trong khi đó, cả nhạc sĩ Anh Quân và Thanh Phương đều nhìn nhận, đây là bài hát hay, phối hay và được thể hiện bởi một chất giọng hay không kém.
9 bài hát còn lại đều mang màu sắc pop ballad và R&B trẻ trung. Nhan sắc đánh dấu sự quay trở lại Dương Quốc Hưng sau một thời gian dài tạm xa truyền hình và không ra album. Là một giọng ca đẹp, có tố chất sân khấu, nên phần trình diễn của chàng ca sĩ Sao Mai điểm hẹn 2006 được đánh giá khá chắc về bài bản biểu diễn, về sân khấu và cách anh tự làm mới mình.
Tạm biệt nhé của Lynk Lee nói lên tâm trạng của các bạn học sinh cấp 3 khi chuẩn bị chia tay mái trường, thầy cô. Nhà báo Quỳnh Hương đánh giá, những bài nhạc teen trong sáng, có tiết tấu đương đại không nhiều vì những nhạc sĩ lớn tuổi không có tâm thế phù hợp với các bạn trẻ để sáng tác. Theo chị, "công chúng tuổi teen nên nghe những bài hát trong sáng như Tạm biệt nhé hơn là ngất lên ngất xuống vì Suju hay Big Bang".
Nơi ta bắt đầu và Tình nhân là 2 ca khúc của các ca sĩ Sao Mai điểm hẹn 2012 Trung Quân và Việt Anh. Nếu như Việt Anh vẫn giữ được sự tính toán trong giọng hát và trung thành với con đường đi của mình, thì Trung Quân quyết tâm "trở về đúng tuổi" khi hát những bản tình ca trong sáng, ngọt ngào, dễ chịu, và làm cho khán giả nhìn nhận đúng hơn về một Trung Quân không còn gắn liền với nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Tuy nhiên, sự thể hiện thành công của Lê Việt Anh trước đó vô tình khiến Trung Quân bị mờ đi, nhất là khi bài hát anh thể hiện của người bạn thân Khắc Hưng không có sự mới mẻ về ca từ hay nhạc điệu.
Nơi ấy bình yên đánh dấu sự trở lại của Thảo Trang sau 2 tháng sang Mỹ nghỉ ngơi và làm việc. Trang hát live tốt và có những đoạn chuyển mạnh mẽ, không kém phần điêu luyện. Những điều nhỏ nhoi nằm tiếp trong chuỗi dự án của Vy Oanh về cuộc sống và tình yêu. Cái nhẹ nhàng mà đi vào lòng người của Vy Oanh khiến cô không cần những bước ngoặt, hay thể hiện quá sâu sắc cá tính, mà vẫn tạo được ấn tượng.
Cám ơn nhé tình yêu tiếp tục đang trở thành ca khúc được yêu thích của nhóm Arista. Dường như hiểu được rõ chất giọng của các thành viên trong nhóm cũng như khả năng bè phối tốt, nhạc sĩ Mạnh Quân mang đến cho các thành viên một giai điệu đẹp, trữ tình, nhưng cũng có những thông điệp tuyên ngôn nhỏ nhắn, ý nghĩa, mà không bị quá sức đối với một ban nhạc không có nhiều thế mạnh về hình ảnh.
Nếu em được lựa chọn của Pha Lê theo hướng thị trường, dễ nghe, và không quá khó với một ca sĩ không được đào tạo bài bản và có giọng hát không quá đặc biệt. Phần trình diễn và dàn dựng vũ đoàn khá lạ cũng giúp cho Pha Lê thăng hoa hơn với ca khúc thể loại trữ tình.
Bức thư tình thứ năm là ca khúc kiểu thư tình thứ ba mà nhạc sĩ Đỗ Bảo gửi gắm nơi Tấn Minh. Không còn nhiều tuyên ngôn trẻ tuổi và những khúc thức khó khăn, nhưng nhạc của Đỗ Bảo vẫn dễ dàng nhận ra, và tạo được dấu ấn có chiều sâu qua giọng hát trau chuốt, tròn trịa của Tấn Minh.
Giải Bài hát yêu thích tháng 10 được trao cho Gương mặt hoàn toàn mới là M-TP với Cơn mưa ngang qua. Bài hát có chất hiphop pha trộn RnB/Rap viết về những cảm xúc chân thành trong tình yêu dưới cơn mưa chợt đến của chàng nghệ sĩ 18 tuổi tạo cơn sốt với công chúng và nhận được sự khen ngợi từ giới chuyên môn.
Huy Phạm
Ảnh: Tô Thanh Tân