![]() |
Miệng cống lộ thiên trên đường Phạm Thế Hiển. Ảnh: Tuấn Dũng |
Anh Đào Việt Minh, ở tại 1357, đường Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8, cho biết, mấy tháng nay cả gia đình anh phải chịu mùi hôi thối của cái miệng cống hình vuông, rộng chừng 1,2 m nằm chình ình ngay trước cửa nhà. Lúc nhóm công nhân đào đường lật nắp cống có hứa chỉ khoảng 1 tuần là xong, nhưng đến bây giờ chẳng thấy tăm hơi họ đâu. Anh Minh nói: "Hôm trước, một chị đi bộ qua đây đã ngã xuống miệng cống, may mắn là không làm sao. Vì miệng cống không có hàng rào bảo vệ nên tình trạng người đi bộ bị vấp té là chuyện cơm bữa".
Còn chị Nguyện, chủ căn nhà mặt tiền ở con đường này, cho biết, ở đây cứ mưa là ngập đường. Mức độ nông sâu tùy chỗ. Chỗ nông nhất cũng cả tấc (10 cm). Người đi thường không nhìn thấy hố sâu do đào đường và sa xuống hố thường xuyên. Một cơn mưa có tới hơn chục người "vồ ếch". "Cũng may mà trời mưa tốc độ lưu thông xe máy chậm nên chưa xảy ra chết người", chị Nguyện nói.
Quá bức xúc với tình trạng mất an toàn giao thông, những người lái xe ôm trên đường Phạm Thế Hiển xúm lại phóng viên VnExpress để nói về trách nhiệm của đơn vị thi công đường. Anh Tuấn, một lái xe ôm, nhận xét đơn vị thi công đã đào suốt cả chiều dài con đường cỡ 2 km, nhưng rất ít chỗ che chắn hoặc báo hiệu để người lưu thông biết. Khi mưa tai nạn xảy ra đã đành, lúc trời nắng cũng có. Nguyên nhân là có những đoạn đường đã lấp và phủ cát lên trên với bề ngoài khá bằng phẳng, nhưng khi đi qua là bị "lụt" ngay.
Theo ghi nhận của VnExpress, chỉ đoạn đường từ cầu Nhị Thiên Đường đến cầu Hiệp Ân với chiều dài khoảng 1 km đã có 10 miệng cống nằm lộ thiên giữa đường mà không hàng rào bảo vệ. Cái "tử tế" thì được cắm vài cành cây báo hiệu. Con đường bị đào theo rãnh chạy dọc với chiều rộng hơn 2 m và không được phân luồng để báo hiệu cho người tham gia giao thông. Cả đoạn đường chỉ có một chiếc biển thông báo kế hoạch công trình.
Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị, cho biết, sở dĩ đường Phạm Thế Hiển bị đào là để lắp đặt hệ thống cống thoát nước. Chiều dài công trình gần 3 km (từ cầu Mật tới cầu Nhị Thiên Đường). Theo ông Thắng, khu vực này mật độ lưu thông lớn, nên khi cấp phép đào đường đã yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn giao thông, tuyệt đối không gây ùn tắc và giữ gìn vệ sinh môi trường. Ngoài ra, đơn vị thi công còn phải có phương án tổ chức phân luồng giao thông được Sở Công an và Sở Giao thông công chính TP HCM thông qua.
Ông Thắng cho biết thêm, phần cống hộp dẫn ra kênh Đôi (dòng kênh chạy song song con đường) phải lắp đặt hành lang bảo vệ. Đơn vị thi công phải thảm lại toàn bộ mặt đường sau khi tái lập vì phần đào chiếm hơn 1/2 mặt cắt ngang đường. Như vậy, cả chủ đầu tư công trình là Công ty Thoát nước đô thị và đơn vị thi công là Công ty công trình Giao thông công chính đã không thực hiện đúng quy định đào đường đã được cấp phép.
Về thời gian thi công, công trình cải tạo cống ngầm này được làm trong 111 ngày (khoảng 3,5 tháng). Theo lệnh khởi công của Công ty thoát nước đô thị thì công trình bắt đầu từ ngày 29/4. Tuy nhiên, đến nay đã gần 7 tháng mà công trình vẫn chưa hoàn thiện.
Tuấn Dũng