![]() |
Tác phẩm Sự biến ảo. |
Với kinh nghiệm hơn 30 năm vẽ tranh lụa, Phạm Thanh Liêm vẫn muốn tìm kiếm sự thể nghiệm mới. Khi tìm về Quan Phố, một làng lụa truyền thống thuộc huyện Duy Tiên, Hà Nam, họa sĩ đã tự mày mò cải tiến kỹ thuật dệt lụa có cấu tạo sợi đặc biệt để tạo nên đặc thù riêng trong tác phẩm của mình. Nhiều người hỏi sao anh không về làng lụa Vạn Phúc nổi danh thì họa sĩ khẳng định: "Đó chỉ là vùng đất của lụa cải hoa, còn muốn tìm lụa trơn để vẽ thì phải về với Quan Phố". Làng nghề nằm ven sông Hồng và đó cũng là miền quê đã sinh ra anh. Với sự công phu đến khó tính của người làm nghệ thuật, Phạm Thanh Liêm đã đặt hàng chính bà cô của mình để có được sản phẩm như ý. Và với những kỹ thuật dệt vê chập, phát huy các thớ dọc ngang, cộng với nét vẽ tài hoa của họa sĩ đã tạo nên các tác phẩm gây ấn tượng đến độ "biến ảo".
Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo khi xem tranh của anh đã nhận xét: "Tác phẩm của Phạm Thanh Liêm đã đạt được cả chất thơ mờ ảo lẫn chất biểu hiện quảng hoạt". Đường biên nghệ thuật rộng mở khi tìm được chất liệu ưng ý, nét vẽ của anh ấp ủ những ngẫu hứng bất ngờ. Tranh lụa của anh tạo được độ thấm - nhòe - thanh - đậm - loang, giàu khả năng biểu đạt dù ở trong đề tài truyền thống hay hiện đại. Họa sĩ tận dụng tối đa ưu thế của thể loại tranh giàu chất Á đông, mềm mại nhưng bí ẩn để từ đó thổi vào tranh lụa cảm xúc thẩm mỹ mới. Cho nên nó buộc người xem phải dừng mắt lâu ở những bức tranh đó để tự hỏi người nghệ sĩ gửi gắm những suy nghĩ gì qua đó.
![]() |
Tranh lụa của Phạm Thanh Liêm. |
"Sự biến ảo của lụa" thể hiện sự chín muồi trong cảm xúc thẩm mỹ. Dường như khi tìm được về đúng với sản vật của quê hương, sự sáng tạo của họa sĩ được kích thích. Chính họa sĩ cũng thừa nhận: "Lụa là chất liệu khó tính, kén chọn người ươm dệt, người vẽ tranh và cả người thưởng ngoạn". Nhưng bằng tâm huyết của mình, anh đã chứng minh điều ngược lại rằng: lụa sẽ không phụ lòng với người chung tình với nó.
Triển lãm kéo dài từ ngày 24/12/2004 đến hết ngày 6/1/2005.
Đức Anh